Nghệ thuật tạo hình là một trong những loại hình nghệ thuật ra đời từ sớm nhất của loài người, nó bao gồm nhiều ngành có cùng một phương thức biểu đạt, tạo nên các mối quan hệ không gian và tác động đến người xem bằng cảm hứng thị giác.

Cùng với sự phát triển của công nghệ và Internet, các tác phẩm tạo hình ngày càng trở nên phong phú đa dạng, nhu cầu bảo vệ quyền tác giả đối với các các tác phẩm tạo hình ngày càng cao. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, công ty Luật Thành Đô trân trọng gửi tới quý bạn đọc bài viết: “Thủ tục đăng kí bản quyền tác phẩm tạo hình”.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật số 36/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

– Nghị định 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.

II. KHÁI NIỆM TÁC PHẨM TẠO HÌNH

Căn cứ tại Điều 13 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, tác phẩm tạo hình được hiểu là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục như: Hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện tương tự, tồn tại dưới dạng độc bản. Riêng đối với loại hình đồ họa, có thể được thể hiện tới phiên bản thứ 50, được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả.

Tại điểm g khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ quy định, tác phẩm tạo hình là một trong các loại hình tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả. Do đó, tác phẩm tạo hình sẽ được bảo hộ và đăng ký bản quyền tương tự với quyền tác giả.

Thủ tục đăng ký bản quyền tác phẩm tạo hình
Thủ tục đăng ký bản quyền tác phẩm tạo hình

III. ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÍ BẢN QUYỀN TÁC PHẨM TẠO HÌNH

Trước khi tiến hành thủ tục đăng kí bản quyền tác phẩm tạo hình, tổ chức, cá nhân, chủ sở hữu tác phẩm tạo hình phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật bao gồm:

– Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ bản quyền tác phẩm tạo hình gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả;

– Tác giả, chủ sở hữu của tác phẩm tạo hình gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài nào có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kì nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm đó được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

IV. CÁC QUYỀN ĐỐI VỚI TÁC PHẨM TẠO HÌNH

Tác phẩm tạo hình thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả, nên sẽ có các quyền tương tự như các loại hình tác phẩm khác bao gồm:

– Quyền nhân thân:

+ Quyền đặt tên cho tác phẩm;

+ Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

+ Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

+ Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kì hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả được bảo hộ vô thời hạn.

– Quyền tài sản:

+ Làm tác phẩm phái sinh;

+ Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

+ Sao chép tác phẩm;

+ Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

+ Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.

V. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÍ BẢN QUYỀN TÁC PHẨM TẠO HÌNH

5.1. Các tài liệu cần chuẩn bị đăng kí bản quyền tác phẩm tạo hình

Tác phẩm tạo hình nằm trong phạm vi bảo hộ quyền tác giả. Căn cứ Điều 50 Luật sở hữu trí tuệ, các tài liệu cần chuẩn bị đăng kí bản quyền tác phẩm tạo hình gồm:

+ Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin trong đơn);

+ Bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc bản sao định hình đối tượng đăng ký liên quan;

+ Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;

+ Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do người được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;

+ Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

+ Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

5.2. Trình tự đăng kí bản quyền tác phẩm tạo hình

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

Chủ sở hữu tác phẩm tạo hình chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định pháp luật được đề cập tạo Mục 5.1 bài viết.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chủ sở hữu tác phẩm tạo hình hoặc người được uỷ quyền nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục bản quyền tác giả

Bước 2. Theo dõi hồ sơ và Nhận giấy chứng nhận đăng kí bản quyền tác phẩm tạo hình

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký, Cục Bản quyền tác giả sẽ tiến hành thẩm định đơn:

+ Nếu đơn đáp ứng được các điều kiện bảo hộ, Cục Bản quyền tác giả sẽ ra thông báo quyết định cấp Giấy chứng nhận và yêu cầu người nộp đơn nộp các khoản phí đăng ký theo quy định.

+ Nếu hồ sơ không hợp lệ, Cục sẽ thông báo từ chối và nêu rõ lý do bằng văn bản cho người nộp đơn sửa đổi, bổ sung hoặc có phản hồi về quyết định này.

Khi có xác nhận hồ sơ hợp lệ và quyết định cấp Văn bằng bảo hộ, người nộp đơn tiến hành nộp các khoản lệ phí quy định và nhận Giấy chứng nhận tại Cục Bản quyền tác giả.

5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết liên quan:

Thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm

Đăng ký bản quyền chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu

Trên đây là một số tư vấn của công ty liên quan đến “Đăng kí bản quyền tác phẩm tạo hình”. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm đặc biệt trong lĩnh vực tư vấn về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, khi đến với Luật Thành Đô Quý khách sẽ được tư vấn và giải đáp mọi vướng mắc liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Đánh giá bài viết này