- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp, Tư vấn đầu tư
- Ngày đăng: 18/10/2021
- Tác giả: Ban biên tập
Lựa chọn loại hình doanh nghiệp và thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp là những bước khởi đầu để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh dưới hình thức công ty. Vậy hiện nay pháp luật quy định về thủ tục đăng ký doanh nghiệp như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Thành Đô sẽ giúp Qúy khách hàng nắm rõ hơn về quy định này.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật doanh nghiệp năm 2020;
– Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
– Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
– Văn bản pháp luật khác có liên quan.
II. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP
2.1. Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Theo điều 26 Luật doanh nghiệp năm 2020, người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây: đăng ký trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh; qua dịch vụ bưu chính; qua mạng thông tin điện tử. Trong đó, đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử bao gồm các dữ liệu và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy.
Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Tài khoản đăng ký kinh doanh là tài khoản được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cấp cho cá nhân để thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
2.2. Hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
– Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn
+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
+ Điều lệ công ty.
+ Danh sách thành viên.
+ Bản sao các giấy tờ sau đây: Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân; Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.
– Đối với công ty cổ phần:
+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
+ Điều lệ công ty.
+ Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
+ Bản sao các giấy tờ sau đây: Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức. Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);
– Đối với doanh nghiệp tư nhân:
+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
+ Bản sao Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ doanh nghiệp tư nhân.
– Đối với công ty hợp danh:
+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
+ Điều lệ công ty.
+ Danh sách thành viên.
+ Bản sao Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên.
+ Bản sao Giấy chứng nhân đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.
2.3. Các bước thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Hiện nay, thủ tục đăng ký doanh nghiệp khuyến khích áp dụng hình thức nộp trực tuyến, đối với một số tỉnh, thành phố việc nộp trực tuyến là bắt buộc. Cụ thể, các bước để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp trực tuyến như sau:
– Bước 1: Tạo tài khoản và đăng nhập tại Cổng thông tin quốc gia: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/;
– Bước 2: Tạo hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp;
– Bước 3: Nhập thông tin vào hệ thống đăng ký kinh doanh;
– Bước 4: Scan và tải tài liệu đính kèm;
– Bước 5: Ký xác thực và nộp hồ sơ.
Trong vòng 03 ngày làm việc, Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư sẽ gửi thông báo phản hồi qua email đăng ký thủ tục thành lập doanh nghiệp.
Bài viết cùng chủ đề:
Một số khái niệm về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Xử phạt trường hợp không thực hiện đăng ký đầu tư tại Việt Nam
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Thành Đô về “Thủ tục đăng ký doanh nghiệp” theo Luật doanh nghiệp năm 2020. Nếu còn bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đề nghị Quý khách hàng liên hệ Luật sư Luật Thành Đô để được giải đáp miễn phí./.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn