- Chuyên mục: Tư vấn luật đất đai
- Ngày đăng: 08/04/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Mua bán nhà ở, đất ở là vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng nhà, đất và hình thức sở hữu, sử dụng các tài sản này mà pháp luật có các quy định khác nhau về việc chuyển nhượng các tài sản này. Trong bài viết này, Luật Thành Đô sẽ hướng dẫn các bạn các thủ tục liên quan đến việc chuyển nhượng đất ở và nhà ở – vấn đề liên quan trực tiếp đến cá nhân và gia đình.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật đất đai 2013
– Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai số 45/2013/QH13

II. ĐIỀU KIỆN CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở VÀ QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở
Các điều kiện để được chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở được quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013, bao gồm:
(1) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp:
+ Tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng.
+ Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất.
+ Nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
(2) Đất không có tranh chấp.
(3) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
(4) Trong thời hạn sử dụng đất.
III. THỦ TỤC MUA BÁN NHÀ Ở ĐẤT Ở
Bước 1: Ký hợp đồng chuyển nhượng
Hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà tại phòng/văn phòng công chứng.
Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:
– Đối với bên chuyển nhượng:
+ Chứng minh nhân dân / căn cước công dân, sổ hộ khẩu của bên chuyển nhượng (trong trường hợp nhà đất thuộc sở hữu chung của cả 2 vợ chồng thì phải có đầy đủ giấy tờ của cả 2 vợ chồng);
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (nếu đã kết hôn) hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu chưa kết hôn);
+ Giấy tờ chứng minh tài sản riêng do được tặng cho riêng, do được thừa kế riêng hoặc có thoả thuận bằng bản án phân chia tài sản;
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ).
– Đối với bên nhận chuyển nhượng:
+ Chứng minh nhân dân / căn cước công dân, sổ hộ khẩu của bên nhận chuyển nhượng (trong trường hợp nhà đất thuộc sở hữu chung của cả 2 vợ chồng thì phải có đầy đủ giấy tờ của cả 2 vợ chồng);
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (nếu đã kết hôn) hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu chưa kết hôn).
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà
Bên chuyển nhượng nộp hồ sơ đăng ký chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà sang cho bên nhận chuyển nhượng tại chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại quận, huyện nơi có đất.
Hồ sơ nộp bao gồm:
(1) Đơn đăng ký biến động quyền sử dụng đất theo mẫu
(2) Hợp đồng, văn bản về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (có công chứng)
(3) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp
(4) Chứng minh nhân dân / Căn cước công dân, sổ hộ khẩu của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng
(5) Trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Bước 3: Thực hiện nghĩa vụ tài chính
Văn phòng đăng ký đất đai gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Cơ quan thuế xác định các loại thuế có liên quan đến đất đai và lệ phí trước bạ áp dụng đối với các giao dịch chuyển nhượng. Cơ quan thuế sẽ thông báo việc thực hiện nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được số liệu địa chính từ Văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 4: Nhận kết quả
Các bên nộp chứng từ đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định cho Văn phòng đăng ký đất đai. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tùy vào trường hợp chuyển nhượng một phần hay toàn bộ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ thực hiện như sau:
– Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp trong trường hợp nhận quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất, quyền sở hữu toàn bộ tài sản gắn liền với đất đã cấp Giấy chứng nhận; hoặc
– Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng và các nhận vào Giấy chứng nhận đã cấp cho bên chuyển nhượng trong trường hợp chuyển quyền sử dụng một phần diện tích thửa đất, một phần tài sản gắn liền với đất đã cấp Giấy chứng nhận hoặc chuyển quyền sử dụng một hoặc một số thửa đất trong các thửa đất cấp chung một Giấy chứng nhận.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật 0919 089 888 để được hỗ trợ giải đáp.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn