Nhằm thực hiện các nhu cầu khác nhau của công ty, trong đó có nhu cầu huy động vốn để mở rộng kinh doanh, các doanh nghiệp thường hướng đến hoạt động phát hành trái phiếu. Để phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải đáp ứng các nguyên tắc, điều kiện và quy trình phát hành theo quy định của pháp luật. Vậy những quy định đó là gì? Thủ tục để phát hành trái phiếu trải qua các bước nào, tiến hành ra sao?

Để giải đáp những thắc mắc trên, Luật Thành Đô mời quý khách hàng tham khảo bài viết “Thủ tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp” dưới đây.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Doanh nghiệp năm 2020;

– Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp;

– Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

II. TRÁI PHIẾU LÀ GÌ?

Một số khái niệm về trái phiếu được pháp luật đưa ra như sau:

Căn cứ Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trái phiếu doanh nghiệp được hiểu là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.

Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng quy định: “Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.”

Thủ tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Thủ tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp

III. ĐIỀU KIỆN PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

3.1. Đối với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền

– Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam;

– Có thời gian hoạt động tối thiểu từ 01 năm kể từ ngày được cấp lần đầu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật. Đối với doanh nghiệp được tổ chức lại hoặc chuyển đổi, thời gian hoạt động được tính là thời gian hoạt động của doanh nghiệp bị chia (trong trường hợp chia doanh nghiệp), thời gian hoạt động của doanh nghiệp bị tách (trong trường hợp tách doanh nghiệp), thời gian hoạt động dài nhất trong số các doanh nghiệp bị hợp nhất (trong trường hợp hợp nhất doanh nghiệp), thời gian hoạt động của doanh nghiệp nhận sáp nhập (trong trường hợp sáp nhập công ty), thời gian hoạt động của doanh nghiệp trước và sau khi chuyển đổi (trong trường hợp chuyển đổi công ty);

– Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng theo quy định của Luật kiểm toán độc lập;

– Đảm bảo tuân thủ giới hạn về số lượng nhà đầu tư khi phát hành, giao dịch trái phiếu đối với là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet.và Trái phiếu doanh nghiệp bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, trừ trường hợp theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật. Sau thời gian nêu trên, trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư; trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành có quyết định khác;

– Có phương án phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 163/2018/NĐ-CP;

– Thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có);

– Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

3.2. Đối với phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền

– Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần và đáp ứng các điều kiện còn lại giống với phát hành trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền

– Ngoài ra đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền cần đáp ứng thêm các điều kiện sau:

+ Đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật trong trường hợp thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu hoặc thực hiện quyền mua của chứng quyền;

+ Các đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi phải cách nhau ít nhất sáu tháng;

+ Trái phiếu chuyển đổi, chứng quyền phát hành kèm theo trái phiếu không được chuyển nhượng trong tối thiểu 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, trừ trường hợp chuyển nhượng cho hoặc chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

IV. THỦ TỤC PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

4.1. Doanh nghiệp phát hành chuẩn bị hồ sơ phát hành trái phiếu

Hồ sơ phát hành trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, bao gồm:

(1) Phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 163/2018/NĐ-CP,

(2) Bản công bố thông tin về đợt phát hành trái phiếu theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 163/2018/NĐ-CP;

(3) Hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp phát hành với các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến đợt phát hành trái phiếu (nếu có);

(4) Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán;

(5) Kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và loại trái phiếu phát hành (nếu có).

4.2. Doanh nghiệp phát hành công bố thông tin trước đợt phát hành

– Doanh nghiệp phát hành thực hiện công bố thông tin trước đợt phát hành cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch Chứng khoán trước tối thiểu 10 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức đợt phát hành trái phiếu,

– Nội dung công bố thông tin trước đợt phát hành theo Mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 163/2018/NĐ-CP;

– Riêng đối với phát hành trái phiếu xanh, ngoài nội dung công bố thông tin theo quy định tại điểm a khoản này, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin về quy trình quản lý, giải ngân vốn từ phát hành trái phiếu xanh theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 163/2018/NĐ-CP;

– Hình thức công bố thông tin: hồ sơ giấy hoặc hồ sơ điện tử.

4.3. Doanh nghiệp phát hành tổ chức phát hành trái phiếu

Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo các phương thức sau:

– Đấu thầu phát hành trái phiếu;

– Bảo lãnh phát hành trái phiếu;

– Đại lý phát hành trái phiếu;

– Bán trực tiếp cho nhà đầu tư.

Lưu ý: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu quyết định phương thức phát hành và công bố cho đối tượng mua trái phiếu.

4.4. Doanh nghiệp phát hành công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu và báo cáo kết quả phát hành

– Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đợt phát hành trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin về kết quả của đợt phát hành pho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở Giao dịch chứng khoán theo hình thức hồ sơ giấy hoặc hồ sơ điện tử theo Mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 163/2018/NĐ-CP.

– Sở Giao dịch Chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu theo quy định trên để tổng hợp và công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp.

4.5. Doanh nghiệp phát hành thực hiện lưu ký trái phiếu

– Trong vòng 10 ngày làm việc sau khi kết thúc đợt phát hành, trái phiếu doanh nghiệp phải được đăng ký, lưu ký tại tổ chức lưu ký được phép để quản lý số lượng nhà đầu tư. Mỗi loại trái phiếu doanh nghiệp chỉ được đăng ký tại một tổ chức lưu ký được phép.

– Tổ chức lưu ký chỉ xác nhận quyền sở hữu trái phiếu khi giao dịch đáp ứng quy định tại khoản 8 Điều 6 Nghị định 163/2018/NĐ-CP, cụ thể: Trái phiếu doanh nghiệp bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, trừ trường hợp theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật. Sau thời gian nêu trên, trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư; trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành có quyết định khác.

4.6. Doanh nghiệp phát hành thực hiện thanh toán gốc, lãi trái phiếu

– Doanh nghiệp phát hành bố trí nguồn trả nợ gốc, lãi trái phiếu từ các nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp và thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho nhà đầu tư theo phương án phát hành trái phiếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

– Đối với trái phiếu được bảo đảm bằng tài sản, khi doanh nghiệp phát hành không cân đối được nguồn trả nợ gốc, lãi trái phiếu thì tài sản bảo đảm sẽ được xử lý để thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm của trái phiếu theo quy định của pháp luật về tài sản bảo đảm.

– Đối với trái phiếu được bảo lãnh thanh toán, khi doanh nghiệp phát hành không cân đối được nguồn trả nợ gốc, lãi thì tổ chức bảo lãnh thanh toán có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán cho doanh nghiệp phát hành theo cam kết bảo lãnh giữa tổ chức bảo lãnh thanh toán và doanh nghiệp phát hành.

4.7. Doanh nghiệp phát hành thực hiện công bố thông tin và báo cáo định kỳ kể từ khi hoàn thành đợt phát hành trái phiếu cho đến khi đáo hạn trái phiếu

– Định kỳ 06 tháng và hàng năm cho đến khi đáo hạn trái phiếu, doanh nghiệp phát hành gửi nội dung công bố thông tin định kỳ theo hình thức hồ sơ giấy hoặc hồ sơ điện tử cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu hoặc tổ chức lưu ký để công bố cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu; đồng thời gửi nội dung công bố thông tin định kỳ cho Sở Giao dịch Chứng khoán.

– Nội dung công bố thông tin định kỳ bao gồm:

+ Báo cáo tài chính 06 tháng, báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã được kiểm toán (nếu có); báo cáo tài chính chưa kiểm toán được Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xác nhận các số liệu;

+ Báo cáo sử dụng vốn, tiến độ giải ngân, tiến độ thực hiện dự án và báo cáo đánh giá tác động đến môi trường đối với trái phiếu xanh theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định này; trong đó, báo cáo sử dụng vốn phải có ý kiến soát xét của tổ chức kiểm toán;

+ Tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Sở Giao dịch Chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo quy định nếu trên để thực hiện công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp và tổng hợp về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

5 ly do nen du dung dich vu phap ly cua luat thanh do scaled
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết liên quan:

Điều kiện phát hành trái phiếu tại Việt Nam

Điều kiện để công ty được lên sàn chứng khoán

Với các thông tin về “Thủ tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp” mà Luật Thành Đô trình bày trên, hy vọng sẽ giúp ích cho Quý khách hàng. Trân trọng cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm và tin dùng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô.

5/5 - (2 bình chọn)