Rượu là một trong những loại đồ uống có cồn được tiêu thụ mạnh nhất tại Việt Nam cũng như thế giới, rượu hiện nay không chỉ là một thức uống mà còn là một món quà sang trọng khi cần thiết, đặc biệt là những sản phẩm rượu ngoại nhập của những công ty có uy tín lâu năm. Để có thể kinh doanh các hoạt động phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu,… Doanh nghiệp cần được cấp giấy phép kinh doanh liên quan và phân phối rượu cũng vậy. Để Quý độc giả hiểu rõ hơn về giấy phép phân phối rượu, Luật Thành Đô xin giới thiệu bài viết: “Thủ tục xin cấp giấy phép phân phối rượu”

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật đầu tư năm 2014;

– Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

– Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu;

– Nghị định số 17/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu;

– Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

– Các văn bản pháp luật có liên quan.

Thủ tục xin giấy phép phân phối rượu
Thủ tục xin giấy phép phân phối rượu

II. THÀNH PHẦN HỒ SƠ CẤP GIẤY PHÉP PHÂN PHỐI RƯỢU

Theo điều 21 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP và Nghị định số 17/2020/NĐ-CP quy định về thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép phân phối rượu như sau:

– Giấy đề nghị cấp Giấy phép phân phối rượu;

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

– Bản sao hợp đồng thuê/mượn địa điểm làm kho hàng, địa điểm bán rượu lẻ rượu và bán rượu tiêu dùng tại chỗ (nếu có kinh doanh);.

– Bản sao Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật) của các sản phẩm rượu dự kiến kinh doanh;

– Tài liệu về hệ thống phân phối rượu gồm một trong hai loại sau:

+ Bản sao hợp đồng nguyên tắc, thư xác nhận hoặc bản cam kết tham gia hệ thống phân phối rượu kèm bản sao Giấy phép bán buôn rượu của thương nhân dự kiến tham gia hệ thống phân phối rượu;

+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh của doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp để kinh doanh rượu.

– Tài liệu liên quan đến nhà cung cấp rượu:

+ Bản sao các văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu khác hoặc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài, trong đó ghi rõ các loại rượu dự kiến kinh doanh phù hợp với hoạt động của các nhà cung cấp rượu;

+ Trường hợp nhà cung cấp rượu là thương nhân trong nước cần có bản sao Giấy phép sản xuất rượu hoặc Giấy phép phân phối rượu.

– Bản cam kết bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường của doanh nghiệp đề nghị cấp phép

Lưu ý: Nghị đinh 17/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 22/03/2020 đã bỏ đi một số nội dung trong hồ sơ gồm: Hợp đồng thuê/mượn hoặc tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở làm kho hàng, địa điểm bán lẻ; Bản sao Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Bản cam kết của thương nhân về đáp ứng các điều kiện cần thiết. Tuy nhiên thực tiễn hoạt động cấp giấy phép, Luật Thành Đô nhận thấy Bộ Công thương vẫn yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu này, vì vậy doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để bổ sung trong trường hợp cần thiết.

III. THỦ TỤC XIN GIẤY PHÉP PHÂN PHỐI RƯỢU

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ như trên doanh nghiệp tiến hành nộp hồ sơ theo trình tự, thủ tục như sau:

Bước 1: Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc hồ sơ trực tuyến đến bộ phận một cửa của Bộ Công thương và nhận Giấy biên nhận thời hạn trả kết quả;

Bước 2: Bộ Công thương xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công thương có văn bản yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh bổ sung hồ sơ.

Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Công thương sẽ xem xét và cử đoàn thanh tra xuống trụ sở để đánh giá khả năng đáp ứng các điều kiện của doanh nghiệp xin cấp phép, nếu đã đáp ứng đầy đủ, Bộ Công thương sẽ cấp giấy phép kinh doanh phân phối rượu cho doanh nghiệp;

Bước 4: Doanh nghiệp tới trực tiếp Bộ Công thương để nhận giấy phép hoặc đăng ký nhận giấy phép qua đường bưu điện.

5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết cùng chủ đề:

Thủ tục xin cấp đổi giấy phép nhập khẩu rượu

Hồ sơ xin cấp đổi giấy phép nhập khẩu rượu

Trên đây là toàn bộ thủ tục xin cấp giấy phép phân phối rượu. Nếu Quý độc giả còn bất cứ vướng mắc nào liên quan đến thủ tục này, xin vui lòng liên hệ với công ty Luật Thành Đô để được hỗ trợ giải đáp.

5/5 - (1 bình chọn)