Yêu cầu tăng mức cấp dưỡng cho con là vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Cấp dưỡng sau ly hôn được hiểu là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống. Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn là một trong những nghĩa vụ không thể tách rời với quan hệ nhân thân của mỗi người, được quy định trong rõ trong Luật hôn nhân gia đình 2014.

Do đó, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo quyết định của Tòa án. Vậy sau khi ly hôn, có được yêu cầu tăng mức cấp dưỡng cho con không? Và thủ tục yêu cầu tăng mức cấp dưỡng cho con được quy định như thế nào?

Thủ tục yêu cầu tăng mức cấp dưỡng cho con
Thủ tục yêu cầu tăng mức cấp dưỡng cho con

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ VỀ YÊU CẦU TĂNG MỨC CẤP DƯỠNG CHO CON

– Luật hôn nhân và gia đình 2014

– Bộ luật tố tụng dân sự 2015

– Luật thi hành án dân sự, sửa đổi năm 2014.

II. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ VIỆC CẤP DƯỠNG CHO CON SAU LY HÔN

Theo quy định của pháp luật, sau khi ly hôn, cha mẹ cha mẹ không sống chung với con cái phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động hoặc không có tài sản để tự nuôi mình. Mức cấp dưỡng được quy định tại Khoản 1 Điều 116, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Điều 116. Mức cấp dưỡng

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Theo đó, pháp luật không quy định cụ thể về mức cấp dưỡng của cha mẹ đối với con, mức cấp dưỡng tùy thuộc vào mức thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của con – người được cấp dưỡng. Do đó, khi thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng tăng hoặc nhu cầu thiết yếu của con tăng thì người đang trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tăng mức cấp dưỡng để nuôi con.

liên hệ luật sư tư vấn pháp luật
liên hệ luật sư tư vấn pháp luật

III. THỦ TỤC YÊU CẦU TĂNG MỨC CẤP DƯỠNG CHO CON

Theo quy định cua pháp luật hiện hành, khi đã giải quyết xong việc ly hôn thì có 02 cách để yêu cầu được tăng mức cấp dưỡng cho con như sau:

3.1. Thỏa thuận với người có nghĩa vụ cấp dưỡng về việc tăng mức cấp dưỡng

Theo cách này, người đang trực tiếp nuôi con thỏa thuận với người có nghĩa vụ cấp dưỡng về việc tăng tiền cấp dưỡng để nuôi con dựa và nhu cầu và khả năng của cả hai bên. Đây là cách giải quyết được ưu tiên lựa chọn vì dễ dàng thực hiện, ít phức tập và không mất nhiều thời gian.

3.2. Nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết

Nếu như hai bên thỏa thuận không thành công thì người đang trực tiếp nuôi con có quyền nộp đơn lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người có nghĩa vụ cấp dưỡng đang cư trú để yêu cầu giải quyết việc tăng mức cấp dưỡng cho con, theo quy định tại Khoản 5, Điều 28 và điểm a, Khoản 1, Điều 35, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Theo quy định của pháp luật, để được tăng mức cấp dưỡng nuôi con thì cần phải có lý do chính đáng như: chi phí cho các nhu cầu cần thiết về học tập, sinh hoạt của con đã tăng lên và người đang trực tiếp nuôi con khó có khả năng đáp ứng được hoặc thu nhập, điều kiện kinh tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng tăng lên đáng kể,…

Người làm đơn yêu cầu tăng mức cấp dưỡng phải có nghĩa vụ cung cấp cho Tòa án những chứng cứ cần thiết để chứng minh mình có đủ cơ sở để yêu cầu tăng mức cấp dưỡng.

Người làm đơn yêu cầu tăng mức cấp dưỡng nuôi con phải chuẩn bị hồ sơ thủ tục về việc thay đổi mức cấp dưỡng cho con bao gồm:

– Đơn yêu cầu/đơn khởi kiện về việc thay đổi mức cấp dưỡng đáp ứng các quy định tại Điều 189, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

– Bản sao hộ khẩu hoặc chứng minh thư nhân dân/ thẻ căn cước của người làm đơn yêu cầu;

– Bản sao bản án hoặc quyết định của Tòa án;

– Giấy tờ chứng minh thu nhập của người cấp dưỡng;

– Giấy tờ chứng minh về chi phí cho các nhu cầu cấp thiết của con đã tăng lên và khả năng thực tế của người đang trực tiếp nuôi con khó có thể đáp ứng được

Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu/ đơn khởi kiện, Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và tiến hành thụ lý vụ án nếu đơn khởi kiện đáp ứng các điều kiện để thụ lý. Đồng thời, Thẩm phán phải thông báo ngay cho người làm đơn khởi kiện đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Khi đó, Thẩm phán được phân công sẽ có nhiệm vụ thụ lý và giải quyết vụ án theo đúng trình tự mà pháp luật quy định.

Sau khi giải quyết xong vụ án, Tòa án sẽ đưa ra bản án/quyết định chấp nhận việc tăng mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn và các bên liên quan phải có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ theo quyết định của Tòa án.

Trong trường hợp bản án, quyết định về việc tăng mức cấp dưỡng của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bên cấp dưỡng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ cấp dưỡng của mình thì bên nhận cấp dưỡng có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án. Đơn yêu cầu thi hành án phải có nội dung đáp ứng các quy định tại Khoản 2 Điều 31, Luật Thi hành án dân sự, sửa đổi năm 2014 về Tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án:

“Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây:

a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu;

b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;

c) Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;

d) Nội dung yêu cầu thi hành án;

đ) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;

e) Ngày, tháng, năm làm đơn;

g) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.”

 

5 lý do nên dử dụng dịch vụ của luật thành đô
5 lý do nên dử dụng dịch vụ của Luật Thành Đô

Bài viết tham khảo:

Tổng đài tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình

Những trường hợp nào được phép mang thai hộ

Trên đây là nội dung tư vấn về việc tăng mức cấp dưỡng và các thủ tục yêu cầu tăng mức cấp dưỡng cho con của công ty Luật Thành Đô, nếu còn bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào mong quý khách hàng vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 1900 1958 để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời từ Luật Thành Đô. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)