- Chuyên mục: Tư vấn luật dân sự
- Ngày đăng: 16/03/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Mở tài khoản ngân hàng là hoạt động diễn ra thường xuyên hiện nay. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển mạnh thì việc thanh toán thông qua các tài khoản ngân hàng cũng càng chứng tỏ được ưu thế của mình.
Tài khoản ngân hàng là một dạng tài sản tại ngân hàng, cho phép khách hàng gửi tiền vào để thực hiện một số mục đích như tiết kiệm, thanh toán, chuyển tiền một cách nhanh chóng và thuận lợi. Tài khoản ngân hàng có nhiều loại như tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm, tài khoản tiền gửi…
Trong đó tài khoản thanh toán được sử dụng vô cùng phổ biến. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ những quy định pháp luật về việc đăng ký, cơ chế sử dụng, đặc biệt là vấn đề ủy quyền mở tài khoản. Luật Thành Đô căn cứ quy định hiện hành tư vấn về vấn đề: “Có được ủy quyền cho người khác mở tài khoản ngân hàng?” như sau:
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ VỀ ỦY QUYỀN MỞ TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG
– Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12
– Thông tư số 23/2014/TT-NHNN Hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 02/2019/TT-NHNN

II. CÓ ĐƯỢC ỦY QUYỀN CHO NGƯỜI KHÁC MỞ TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG KHÔNG?
Có thể hiểu tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng (Theo khoản 2 điều 4 Luật các tổ chức tín dụng).
Khoản 6 Điều 1 Thông tư 23/2014/TT-NHNN quy định đối tượng là cá nhân được mở tài khoản thanh toán gồm có:
– Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
– Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;
– Người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật;
– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.
Như vậy, theo quy định trên thì được ủy quyền cho người đại diện theo pháp luật mở tài khoản ngân hàng và chỉ áp dụng đối với các đối tượng sau:
+ Người chưa thành niên
+ Người mất năng lực hành vi dân sự
+ Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
+ Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
III. HỒ SƠ MỞ TÀI KHOẢN TRONG TRƯỜNG HỢP ỦY QUYỀN
Khoản 7 điều 1 thông tư 02/2019 quy định về hồ sơ mở tài khoản thanh toán đối với tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ, người đại diện theo pháp luật cần có:
– Giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán lập theo mẫu của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản, nội dung giấy đề nghị gồm có:
+) Thông tin về chủ tài khoản:
/ Đối với cá nhân là người Việt Nam: họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số điện thoại; số thẻ căn cước công dân hoặc số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu còn thời hạn, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi ở hiện tại; thuộc đối tượng người cư trú hay người không cư trú;
/ Đối với cá nhân là người nước ngoài: họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số điện thoại; số hộ chiếu còn thời hạn, ngày cấp, nơi cấp, thị thực nhập cảnh; địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài và nơi đăng ký cư trú tại Việt Nam; thuộc đối tượng người cư trú hay người không cư trú.
+) Thông tin về người giám hộ, người đại diện: tương tự thông tin với chủ tài khoản
– Thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi), thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh (đối với cá nhân là người nước ngoài) của chủ tài khoản;
– Thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người giám hộ, người đại diện theo pháp luật và các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện hợp pháp của người đó đối với chủ tài khoản.
Các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán (ngoại trừ Giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán lập theo mẫu của ngân hàng) là bản chính hoặc bản sao. Đối với các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán bằng tiếng nước ngoài, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thỏa thuận với khách hàng về việc dịch ra tiếng Việt
IV. ĐƯỢC ỦY QUYỀN CHO NGƯỜI KHÁC SỬ DỤNG TÀI KHOẢN THANH TOÁN
Điểm c khoản 1 điều 5 thông tư 23/2014 quy định chủ tài khoản thanh toán có quyền ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản thanh toán của mình.
Theo đó, trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán, chủ tài khoản thanh toán, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) được ủy quyền cho người khác.
Việc ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán phải bằng văn bản và được thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền. Việc ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức phải được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức mở tài khoản.
Để ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán, chủ tài khoản phải gửi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản văn bản ủy quyền kèm bản đăng ký mẫu chữ ký và bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người được ủy quyền (trường hợp bản sao không có chứng thực thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu).

Bài viết cùng chủ đề:
Giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
Di chúc như thế nào là hợp pháp
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề ủy quyền cho người khác mở tài khoản ngân hàng. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19001958 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn