Ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp không còn là vấn đề xa lạ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua quá trình tư vấn cho nhiều khách hàng, chúng tôi nhận thấy một số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chưa hiểu rõ về dịch vụ này. Trong phạm vi bài viết này, Luật Thành Đô sẽ làm rõ các quy định pháp luật về ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp để các quý khách hàng nắm rõ.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật Doanh nghiệp 2020

Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp

II. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ CHỦ THỂ ỦY QUYỀN THỰC HIỆN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP

Theo Điều 12 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Quy định pháp luật về ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp
Quy định pháp luật về ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp

2.1. Chủ thể ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp

Chủ thể ủy quyền là người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp, tức là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, bao gồm:

– Đối với doanh nghiệp tư nhân: chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật 

– Đối với công ty hợp danh: Các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty

– Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên: ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc

– Đối với công ty TNHH một thành viên: ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc

– Đối với công ty cổ phần: Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty; trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

2.2. Chủ thể nhận ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp:

Chủ thể nhận ủy quyền bao gồm: 

– Tổ chức; 

– Cá nhân; 

– Đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích hoặc Đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính không phải là bưu chính công ích.

Có thể thấy hiện nay, pháp luật quy định một phạm vi khá rộng những tổ chức, cá nhân được nhận ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp. Do đó, quý khách hàng cần tỉm hiểu và lựa chọn đơn vị có kiến thức, chuyên môn cao (các công ty luật, công ty tư vấn doanh nghiệp…) để quá trình đăng ký doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

III. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ PHẠM VI ỦY QUYỀN THỰC HIỆN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP

Phạm vi ủy quyền sẽ được xác định theo văn bản ủy quyền giữa các bên, bao gồm những công việc sau:

– Chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tương ứng với loại hình doanh nghiệp

– Nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh

– Nhận kết quả tại cơ quan đăng ký kinh doanh

– Các công việc khác có liên quan tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

IV. HỒ SƠ ỦY QUYỀN THỰC HIỆN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP

4.1. Hồ sơ ủy quyền cho cá nhân

Trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có (i) Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và (ii) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân được ủy quyền (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu…). Khác với các trường hợp ủy quyền thực hiện các công việc khác, văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện đăng ký doanh nghiệp không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

4.2. Hồ sơ ủy quyền cho tổ chức hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính không phải là bưu chính công ích: 

Trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có (i) Bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp/đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính không phải là bưu chính công ích; (ii) Giấy giới thiệu của tổ chức/đơn vị đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và (iii) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân người được giới thiệu (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu).

4.3. Hồ sơ ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích

Trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, nhân viên bưu chính phải nộp bản sao phiếu gửi hồ sơ theo mẫu do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phát hành có chữ ký xác nhận của nhân viên bưu chính và người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

Bài viết cùng chủ đề:

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là gì?

Trên đây là bài viết của Luật Thành Đô về các quy định pháp luật về ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp, quý khách hàng vui lòng tham khảo bài viết, nếu có bất kỳ vướng mắc nào vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được tư vấn và hướng dẫn thủ tục.

5/5 - (2 bình chọn)