- Chuyên mục: Tư vấn luật hình sự
- Ngày đăng: 11/07/2022
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Phòng vệ chính đáng là gì?
Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”.
Như vậy, phòng vệ chính đáng được coi là hành vi hợp pháp nên theo quy định của pháp luật , người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng khi đáp ứng các yêu cầu sau:
-Thứ nhất, có hành vi trái pháp luật xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác hoặc xâm phạm tới lợi ích của chính bản thân người phòng vệ chính đáng
-Thứ hai, hành vi xâm phạm đến lợi ích của các chủ thể trong xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ sẽ xảy ra ngay tức khắc, đe dọa trực tiếp đến các đối tượng được pháp luật bảo vệ. Người thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng nhằm ngăn chặn thiệt hại đang xảy ra hoặc có nguy cơ sẽ xảy ra. Nếu thiệt hại đã xảy ra hoàn toàn mà một người mới có hành vi chống trả và gây thiệt hại ngược trở lại thì không thể coi là phòng vệ chính đáng.
-Thứ ba, hành vi phòng vệ chính đáng là hành vi đáp trả lại hành vi trái pháp luật và gây ra thiệt hại đối với chính người có hành vi trái pháp luật đó. Bởi vì, chính hành vi trái pháp luật đang gây ra thiệt hại hoặc đe dọa sẽ gây ra thiệt hại ngay lập tức nếu không được ngăn chặn kịp thời.
-Thứ tư, hành vi gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng phải là cần thiết và tương xứng với hành vi xâm hại. Hành vi phòng vệ chính đáng được coi là cần thiết khi người thực hiện hành vi này không có sự lựa chọn nào khác trong hoàn cảnh lợi ích của mình hoặc của các chủ thể khác đang bị xâm phạm, nếu không ngăn chặn sẽ để lại hậu quả lớn. Còn hành vi phòng vệ được coi là tương xứng khi hành vi này được thực hiện đúng với mức độ và tính chất của hành vi trái pháp luật.

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là gì?
Nếu hành vi phòng vệ không cần thiết hoặc không tương xứng thì người gây thiệt hại vẫn phải bồi thường. Đây chính là trường hợp người phòng vệ đã có hành vi vượt quá giới hạn của PVCĐ Tại khoản 2 Điều 22 BLHS 2015 quy định: “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại”.
Vấn đề về trách nhiệm bồi thường đã được quy định trong Điều 594 Bộ luật dân sự 2015:
“Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại
Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.”
Người gây thiệt hại trong trường hợp PVCĐ không phải bồi thường cho người bị thiệt hại . Bởi vì, hành vi phòng vệ chính đáng không bị coi là hành vi trái pháp luật và người thực hiện hành vi không bị coi là có lỗi, nên dù hành vi đó gây ra hậu quả thì người thực hiện hành vi cũng không phải gánh chịu hậu quả đó.
Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn PVCĐ phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Bởi vì, lúc đó, hành vi vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng bị coi là hành vi trái pháp luật và người thực hiện hành vi đó bị coi là có lỗi. Trong Điều luật này, mức bồi thường thiệt hại mà người thực hiện hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường không được quy định một cách cụ thể. Do đó, thực tiễn đã xảy ra hai luồng ý kiến về mức bồi thường đối với trường hợp này.
Bài viết cùng chủ đề:
Phân tích các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn