Bài viết phân tích về Tình thế cấp thiết và quy định về Bồi thường thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết

Tình thế cấp thiết là gì?

Theo khoản 1 Điều 171 Bộ luật Dân sự 2015 có nêu rõ: “Tình thế cấp thiết là tình thế một người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn”.

Một người gây thiệt hại trong phạm vi yêu cầu của tình thế cấp thiết không phải bồi thường thiệt hại, bởi vậy, việc xác định đúng tình thế cấp thiết có ý nghĩa rất quan trọng  trong việc xác định trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại. Một tình thế xảy ra trên thực tế được coi là tình thế cấp thiết khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau:

-Tồn tại một nguy cơ  thực tế đe dọa đến lợi ích hợp pháp của chính người gây ra thiệt hại hoặc chủ thể khác. Tình thế cấp thiết chỉ tồn tại dưới dạng khả năng mà chưa xảy ra hậu quả trên thực tế  nhưng phải là nguy cơ có thực. Nếu nguy cơ không có thực hoặc đã xảy ra thì không thể tồn tại tình thế cấp thiết. Nguy cơ gây ra thiệt hại của tình thế cấp thiết có thể xuất phát từ hành vi con người hoặc do tác động của thiên nhiên hay động vật…

-Biện pháp để ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra  do tình thế cấp thiết  là biện pháp tối ưu, hữu hiệu nhất. Điều này có nghĩa là, người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải tính toán, cân nhắc các biện pháp ngăn chặn thiệt hại xảy ra trong tình thế cấp thiết một cách nhanh chóng, linh hoạt.  Sau đó người gây thiệt hại phải lựa chọn biện pháp tốt nhất trong những biện pháp có thể sử dụng.

-Thiệt hại xảy ra trong tình thế cấp thiết phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Mục đích của việc áp dụng các biện pháp trong tình thế cấp thiết là nhằm ngăn ngừa không cho thiệt hại xảy ra hoặc hạn chế phần nào thiệt hại xảy ra.

Bởi vậy, nếu người gây thiệt hại trong tình thiết gây ra một thiệt hại lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa thì không bảo đảm được mục đích  của hành vi gây thiệt hại  trong tình thế cấp thiết. Hơn nữa, việc gây thiệt hại  trong tình thế cấp thiết phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa để tránh sự lạm dụng tình thế cấp thiết  mà gây ra một thiệt hại lớn cho các chủ thể khác.

Bồi thường thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết
Bồi thường thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết

Bồi thường thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết

Trường hợp người gây ra thiệt hại trong tình thế cấp thiết gây ra một thiệt hại lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa thì được coi là gây ra thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết và phải bồi thường phần thiệt hại do vượt quá đó cho người bị thiệt hại.

Trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này được quy định tại Điều 595 Bộ luật dân sự 2015 :

1. Trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại.

2. Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Cũng giống như trường hợp thiệt hại xảy ra do thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng, người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong phạm vi yêu cầu của tình thế cấp thiết không phải bồi thường thiệt hại.

Bởi vì, hành vi gây thiệt hại trong phạm vi yêu cầu của tình thế cấp thiết không phải là hành vi trái pháp luật, người thực hiện hành vi không bị coi là có lỗi. Trong trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại mới phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trường hợp một người gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì người đó phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Bởi vì, người gây ra tình thế cấp thiết không trực tiếp gây ra những tổn thất cho người bị thiệt hại nhưng là người đã tạo ra nguy cơ đe dọa gây thiệt hại cho các lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác nên phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Bài viết cùng chủ đề:

Quy định về vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Đánh giá bài viết này