Chế độ lao động đối với người cao tuổi là vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Lao động người cao tuổi thuộc một trong các loại lao động đặc thù, theo đó,  lao động cao tuổi là người lao động đã hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật, còn khả năng lao động và có giao kết hợp đồng lao động. Tuỳ thuộc vào quy định về độ tuổi nghỉ hưu của các quốc gia khác nhau để xác định đối tượng lao động người cao tuổi.

Nói cách khác thì yếu tố độ tuổi là yếu tố quan trọng trong việc xác định đối tượng lao động người cao tuổi. Vậy đối với người lao động cao tuổi thì có những chế độ và được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Thành Đô sẽ cung cấp cho bạn đọc nội dung liên quan quan đến: “ Chế độ lao động đối với người cao tuổi”.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật lao động 2019.

– Những văn bản khác có liên quan.

Chế độ lao động đối với người cao tuổi
Chế độ lao động đối với người cao tuổi

II. CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CAO TUỔI

2.1. Định nghĩa người lao động cao tuổi

– Theo quy định của pháp luật, tại Điều 148 Bộ luật lao động 2019 quy định thì lao động đã hết tuổi lao động được xác định là nam trên 62 tuổi và nữ trên 60 tuổi theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu quy định tại Khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động năm 2019, trong một số trường hợp đặc biệt, độ tuổi này được giảm xuống. Như vậy, có thể hiểu lao động cao tuổi là nam trên 62 tuổi, nữ trên 60 tuổi còn khả năng lao động và có giao kết hợp đồng lao động.

– Người lao động là người cao tuổi thường có hạn chế về thể lực do yếu tố tuổi già. Sau quá trình lao động, cùng với quy luật sinh học tự nhiên của con người, người cao tuổi xuất hiện những biểu hiện suy giảm các chức năng tâm sinh lí và chức năng lao động, các phản xạ nghề nghiệp kém đi, họ cần được nghỉ ngơi.

Có thể dễ dàng nhận thấy yếu tố thể lực ở người cao tuổi suy giảm qua các dấu hiệu như thiếu độ bền, suy giảm các trị giác, sức chịu đựng trong việc duy trì cường độ làm việc cao, khó thực hiện những công việc có yếu tố nặng nhọc… Bởi lý do này, người cao tuổi cần cân nhắc lựa chọn việc giao kết hợp đồng lao động với nghề nghiệp và điều kiện lao động phù hợp với tình trạng sức khoẻ của mình.

– Người lao động là người cao tuổi có hạn chế về trí lực. Yếu tố suy giảm về thể chất cũng kéo theo sự suy giảm một phần trí lực, cụ thể giảm thiểu trong khả năng nhận thức và chức năng ghi nhớ, kém tập trung, khó tiếp cận với những kiến thức, quy trình hiện đại so với những kinh nghiệm đã có… Tuy nhiên, họ lại có ưu điểm ở kinh nghiệm, chú tâm và chính xác trong việc lặp lại quy trình, sự thận trọng và trách nhiệm trong công việc.

– Lao động cao tuổi thích ứng với các loại công việc đòi hỏi kinh nghiệm, kiến thức và trình độ quản lí, không phù hợp với các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại hoặc các công việc, nghề nghiệp cần lao động thể lực mạnh, yêu cầu về sức bền.

Thực tế cho thấy, tỉ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ cao, có kinh nghiệm quản lí điều hành tập trung nhiều ở nhóm lao động này. Bởi lẽ, trải qua quá trình học tập, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, giá trị sức lao động của lao động cao tuổi càng tăng cao.

Ở góc độ này, lao động người cao tuổi còn được coi là “tài sản vô giá” của quốc gia. Vì vậy, trong những giới hạn cần thiết, cần có sự khai thác hợp lí giá trị sức lao động của nhóm đối tượng lao động người cao tuổi.

2.2. Quy định về chế độ lao động đối với người cao tuổi

Chế độ lao động đối với người cao tuổi được quy định tại điều 149 BLLĐ 2019.

– Tại Điều 149 Bộ luật lao động 2019 quy định về sử dụng người lao động cao tuổi, như đã nêu ở trên, người lao động là người cao tuổi khi tham gia vào quan hệ lao động thì sẽ tiến hành ký hợp đồng lao động với người sử dụng lao động và  khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Trong quá trình ký kết hợp đồng lao động thì người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

–  Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.

–  Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

–  Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.

Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Bài viết cùng chủ đề:

Có những loại hợp đồng lao động nào

Trên đây là tư vấn của Luật Thành Đô về chế độ lao động đối với người cao tuổi. Liên hệ luật sư công ty Luật Thành Đô để được giải đáp thắc mắc và nghe tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết này