Công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong bất kỳ mối quan hệ nào là một vấn đề phổ biến trong xã hội hiện nay.

Trước khi đưa vụ việc tranh chấp ra Tòa án giải quyết, các bên trong quan hệ có tranh chấp thường hướng tới hòa giải để có thể thỏa thuận với nhau, tránh phải tham gia vào quá trình tố tụng lâu dài và tốn kém. Việc hòa giải ngoài Tòa án của các bên được tiến hành bởi người có thẩm quyền tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải.

Nhưng để thỏa thuận hòa giải được nghiêm chỉnh thực hiện và bảo đảm về mặt pháp lý, các bên trong thỏa thuận hòa giải có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền công nhận kết quả hòa giải. Sau đây, Luật Thành Đô xin gửi tới Quý độc giả các vấn đề cũng như quy trình liên quan đến thủ tục yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (“Bộ luật tố tụng dân sự 2015”)

– Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí (“Nghị quyết 326/2016/ UBTVQH14”)

Thủ tục yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án
Thủ tục yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án

II. NỘI DUNG TƯ VẤN

2.1. Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án

– Kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là thỏa thuận hòa giải mà các chủ thể trong quan hệ dân sự đã thống nhất được với nhau nhằm giải quyết vấn đề hoặc tranh chấp phát sinh giữa các bên. Thỏa thuận này của các bên được cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải thực hiện hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải.

– Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là việc một hoặc cả hai bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đơn yêu cầu Tòa án công nhận. Quyết định của Tòa án mang tính pháp lý chặt chẽ, được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp mang tính quyền lực nhà nước, do đó các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án nhằm ràng buộc các bên thực hiện nghiêm chỉnh những nội dung đã thỏa thuận.

2.2. Điều kiện yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án

Điều 417 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về điều kiện yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành như sau:

– Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

– Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.

– Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận.

– Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.

2.3. Thủ tục yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án

– Chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án: Cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được hòa giải thành bởi cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải.

– Thẩm quyền giải quyết: Theo khoản 7 Điều 27, điểm a khoản 2 Điều 35 và điểm s khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người yêu cầu cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.

– Thủ tục tố tụng:

+ Người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án phải gửi đơn yêu cầu (khoản 1 Điều 418 Bộ luật tố tụng dân sự 2015) kèm theo văn bản về kết quả hòa giải thành đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành.

+ Nhận và xử lý đơn yêu cầu: Người yêu cầu nộp đơn trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Bộ phận tiếp nhận đơn của Tòa án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu. Trường hợp xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ đủ điều kiện thì Thẩm phán thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí giải quyết việc dân sự trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí.

+ Thụ lý đơn yêu cầu: Người yêu cầu nộp lệ phí tại cơ quan thi hành án dân sự (khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 326/2016) và lấy biên lai thu tiền lệ phí. Tòa án tiến hành thụ lý đơn yêu cầu khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí giải quyết việc dân sự. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án ra thông báo thụ lý đơn yêu cầu.

+ Lệ phí: 300.000 đồng (khoản 1 Điều 4 và mục I-1 Phụ lục B Nghị quyết 326/2016)

+ Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu. Hết thời hạn này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Thời hạn mở phiên họp xét đơn yêu cầu là 10 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở phiên họp.

– Sau khi mở phiên họp xét đơn yêu cầu, Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 417 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

5 ly do nen du dung dich vu phap ly cua luat thanh do scaled
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết liên quan:

Quy định về án phí ly hôn, Án phí ly hôn do ai trả

Thủ tục yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến “Thủ tục yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án”. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào, Quý độc giả vui lòng liên hệ Công ty Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp miễn phí.

5/5 - (1 bình chọn)