- Chuyên mục: Tư vấn luật bảo hiểm
- Ngày đăng: 11/06/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Khi chấm dứt hợp đồng lao động, đối tượng nào sẽ được hưởng trợ cấp mất việc làm? Điều kiện hưởng trợ cấp mất việc làm là gì, mức hưởng là bao nhiêu? Trong bài viết sau đây, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn trả lời câu hỏi này.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Bộ luật Lao động 2019
– Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

II. ĐIỀU KIỆN HƯỞNG TRỢ CẤP MẤT VIỆC LÀM
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được hưởng trợ cấp mất việc làm khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
(1) Người lao động đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên
(2) Người lao động bị mất việc làm do:
– Thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế
– Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp
– Bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
– Chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã
III. CÁCH TÍNH MỨC HƯỞNG TRỢ CẤP MẤT VIỆC LÀM
* Trợ cấp mất việc làm được tính như sau:
Trợ cấp mất việc làm = Thời gian làm việc tính hưởng trợ cấp x Tiền lương tháng tính hưởng trợ cấp
Lưu ý: Trợ cấp mất việc ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.
* Thời gian làm việc tính hưởng trợ cấp được tính như sau:
Thời gian làm việc tính hưởng trợ cấp = tổng thời gian làm việc thực tế – (thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp + thời gian làm việc đã được trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm)
Trong đó:
– Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm:
+ Thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc;
+ Thời gian thử việc;
+ Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học;
+ Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
+ Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
+ Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương;
+ Thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ hằng tuần, nghỉ việc hưởng nguyên lương;
+ Thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động và thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
– Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
+ Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật
+ Thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp.
– Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.
* Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được quy định như sau:
– Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.
– Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau thì tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng.
Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng bị tuyên bố vô hiệu vì có nội dung tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể.

Bài viết cùng chủ đề:
Quy định pháp luật hiện hành về chế độ bảo hiểm tự nguyện
Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp
Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô về vấn đề Điều kiện hưởng trợ cấp mất việc làm, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 1900 1958 để được hỗ trợ giải đáp.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn