Trong quá trình lao động, người lao động không thể tránh khỏi mắc các bệnh nghề nghiệp, vì vậy, nhà nước đưa ra các chính sách quy định pháp luật hỗ trợ đảm bảo cho người lao động tham gia lao động. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và nắm rõ chế độ bệnh nghề nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho bản thân. Bài viết này sẽ chia sẽ rõ hơn về chế độ bệnh nghề nghiệp đến người lao động.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 (viết tắt Luật ATVSLĐ 2015);

Luật Bảo hiểm xã hội 2014;

Văn bản hợp nhất Luật bảo hiểm y tế số 46/VBHN-VPQH ban hành ngày 10/12/2018.

II. KHÁI NIỆM BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật ATVSLĐ 2015 có quy định: “Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động”.

Bên cạnh đó, theo Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định gồm có 34 bệnh nghề nghiệp.

Điều kiện và mức hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
Điều kiện và mức hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

III. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Theo quy định tại điều 44 Luật BHXH 2014 người lao động được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Bị mắc bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;

– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.

Ngoài ra, trường hợp người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.

IV. MỨC HƯỞNG CHẾ ĐỘ BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Khi đáp ứng đủ những điều kiện trên, người lao động bị bệnh nghề nghiệp được hưởng các chế độ như sau:

4.1 Chế độ từ nguời sử dụng lao động

Căn cứ vào điều 38 Luật ATVSLĐ 2015 người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị bệnh nghiệp như sau:

– Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định như sau:

+ Chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

+ Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động;

+ Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

– Trả đủ tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

– Bồi thường cho người lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra với mức như sau:

+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% – 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

+ Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do bệnh nghề nghiệp;

– Giới thiệu để người lao động được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

– Thực hiện bồi thường, trợ cấp trong thời hạn 05 ngày;

– Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

– Lập hồ sơ hưởng chế độ về bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

4.2 Chế độ từ quỹ bảo hiểm xã hội

– Được trả phí giám định mức suy giảm khả năng lao động;

– Được trợ cấp một lần khi bị suy giảm từ 5-30% khả năng lao động, với mức trợ cấp như sau: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

Ngoài ra, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

– Được trợ cấp hàng tháng nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên và với mức trợ cấp như sau: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

Ngoài ra, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

– Được hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình;

– Được trợ cấp phục vụ: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

– Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp khi người lao động chết do bệnh nghề nghiệp với mức trợ cấp như sau: Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

+ Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

+ Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

– Dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau điều trị

+ Trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động không đảm bảo thì được nghỉ dưỡng sức từ 05 đến 10 ngày:

Tối đa 10 ngày nếu suy giảm từ 51% trở lên;

Tối đa 07 ngày nếu suy giảm từ 31% đến 50%;

Tối đa 05 ngày nếu suy giảm từ 15% đến 30%.

+ Mỗi ngày nghỉ dưỡng sức được hưởng:

25% mức lương cơ sở nếu nghỉ tại gia đình;

40% mức lương cơ sở nếu nghỉ tại cơ sở tập trung.

V. THỜI ĐIỂM HƯỞNG CHẾ ĐỘ BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 50 Luật ATVSLĐ 2015 quy định thời điểm hưởng trợ cấp như sau:

Thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú;

Trường hợp bị bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện thì thời điểm hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa;

Trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng trợ cấp tính từ tháng người lao động được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

VI. HỒ SƠ HƯỞNG CHẾ ĐỘ BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Theo quy định tại điều 58 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp người lao động chuẩn bị hồ sơ bao gồm:

– Sổ bảo hiểm xã hội.

– Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp; trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.

– Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

– Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết cùng chủ đề:

Điều kiện hưởng trợ cấp mất việc làm theo quy định mới

Quy định pháp luật hiện hành về chế độ bảo hiểm tự nguyện

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Thành Đô về chế độ bệnh nghề nghiệp. Nếu có bất cứ thắc mắc gì, quý khách xin vui lòng liên hệ vào số hotline: 0919 089 888 hoặc email: luatsu@luatthanhdo.com.vn. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!

5/5 - (1 bình chọn)