- Chuyên mục: Tư vấn giấy phép
- Ngày đăng: 28/02/2022
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Các trung tâm tư vấn du học chỉ được phép hoạt động khi đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh theo đúng quy định và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, nếu trung tâm tư vấn du học không duy trì được các điều kiện kinh doanh tiêu chuẩn cũng như có những hành vi vi phạm quy định của pháp luật thì trung tâm tư vấn du học bị đình chỉ hoạt động.
Vậy trung tâm tư vấn sẽ bị đình chỉ hoạt động trong các trường hợp cụ thể nào? Để giải đáp cụ thể về vấn đề này, Luật Thành Đô trân trọng gửi tới bài viết: “Các trường hợp trung tâm tư vấn du học bị đình chỉ hoạt động”.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật Giáo dục số 43/2019/QH14;
– Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;
– Nghị định số 135/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;
– Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
– Thông tư số 23/2013/TT-BGDĐT quy định về tổ chức, bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học;
– Thông tư 29/2013/TT-BGDĐT ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học;
– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. CÁC TRƯỜNG HỢP ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG TRUNG TÂM TƯ VẤN DU HỌC
Các đơn vị hoạt động tư vấn du học sẽ bị đình chỉ hoạt động kinh doanh tư vấn du học trong các trường hợp sau:
– Gian lận để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học: Là việc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tư vấn du học gian lận trong quá trình xin cấp giấy phép tư vấn du học như gian lận về kinh nghiệm kinh doanh, gian lận về đối tác nước ngoài, gian lận về nhân viên trực tiếp tư vấn du học,…
– Không bảo đảm một trong các điều kiện kinh doanh hoạt động tư vấn du học: Là việc doanh nghiệp sau khi được cấp giấy phép tư vấn du học không đảm bảo được điều kiện để hoạt động như:
+ Không đáp ứng điều kiện về nhân viên trực tiếp tư vấn du học: (i) Nhân viên trực tiếp tư vấn du học phải có trình độ đại học trở lên; (ii) Nhân viên trực tiếp tư vấn du học phải có năng lực sử dụng ít nhất một ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương (Căn cứ theo các quy định quy chuẩn đổi điểm thì Khung năng lực ngoại ngữ bậc 4 trở lên mà một nhân viên trực tiếp tư vấn cần có tương đương với các trình độ Tiếng Anh như IELTS từ 5.0 trở lên, TOEIC từ 625 trở lên, TOEFL Paper từ 500 trở lên, Tiếng Nhật từ N3 trở lên,…); (iii) Nhân viên trực tiếp tư vấn du học phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định tại Thông tư số 29/2013/TT-BGDĐT và Thông tư số 23/2013/TT-BGDĐT.
+ Không đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất để hoạt động kinh doanh tư vấn du học như: Không có phòng làm việc của nhân viên, trụ sở không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy,…
– Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ: Là việc trong quá trình hoạt động của trung tâm tư vấn du học bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định pháp luật.
– Cho thuê hoặc cho mượn Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học: Giấy phép tư vấn du học là giấy phép được cấp cho trung tâm tư vấn du học cụ thể, do đó trung tâm không được phép cho thuê hoặc cho mượn giấy phép tư vấn du học.
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG TRUNG TÂM TƯ VẤN DU HỌC
Bước 1: Kiểm tra, đánh giá mức độ vi phạm
Khi nhận thấy có các dấu hiệu vi phạm thuộc một trong các trường hợp nêu ở Mục II bài viết này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra đánh giá mức độ vi phạm và lập biên bản kiểm tra.
Bước 2: Quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh tư vấn du học
Căn cứ vào mức độ vi phạm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ ra quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Quyết định đình chỉ hoạt động phải ghi rõ lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được tư vấn du học, tổ chức và cá nhân liên quan. Quyết định đình chỉ phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bước 3: Tờ trình đề nghị được hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trở lại
Sau thời hạn bị đình chỉ, nếu đơn vị hoạt động kinh doanh tư vấn du học khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ hoạt động thì cần chuẩn bị tờ trình đề nghị được kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trở lại, gửi Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tờ trình nêu rõ việc khắc phục các nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ kèm theo các tài liệu chứng minh (nếu có).
Bước 4: Cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trở lại
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình hợp lệ, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định tờ trình và các tài liệu minh chứng, trong trường hợp cần thiết Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra thực tế.
Nếu đã khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trở lại, nếu không đủ điều kiện thì có văn bản thông báo và nêu rõ lý do, hướng giải quyết.
Bài viết cùng chủ đề:
Dịch vụ thành lập trung tâm tư vấn du học
Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Thành Đô về các trường hợp trung tâm tư vấn du học có thể bị đình chỉ hoạt động. Nếu Quý doanh nghiệp còn có bất cứ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ Công ty Luật Thành Đô để được giải đáp và tư vấn chi tiết.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn