Thời gian vừa qua, các giao dịch mua bán nhà đất bằng hình thức lập vi bằng xuất hiện ngày càng nhiều. Trên thực tế, nhiều người lầm tưởng rằng vi bằng do thừa phát lại lập là một hợp đồng mua bán nhà, dẫn đến nhiều hệ lụy và có nguy cơ mất trắng khi xảy ra tranh chấp. Vậy thực chất vi bằng là gì? Vi bằng nhà đất là như thế nào? Giá trị pháp lý của chúng ra sao? Để làm rõ hơn về vấn đề này, Luật Thành Đô xin gửi đến quý khách hàng bài viết dưới đây.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Đất đai năm 2013;

– Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

– Các văn bản pháp lý khác có liên quan.

Vi bằng là gì? Vi bằng nhà đất là gì? (ảnh minh họa)
Vi bằng là gì? Vi bằng nhà đất là gì? (ảnh minh họa)

II. VI BẰNG LÀ GÌ?

2.1. Khái niệm vi bằng

Theo khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, vi bằng được hiểu là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP .

2.2. Đặc điểm của vi bằng

– Về hình thức, hình thức của vi bằng là văn bản. Văn bản này được thừa phát lại lập theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

– Về nội dung, vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.

– Về giá trị pháp lý, vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác, nhưng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật và là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

III. VI BẰNG NHÀ ĐẤT LÀ GÌ?

3.1. Khái niệm vi bằng nhà đất

Từ khái niệm vi bằng, có thể hiểu vi bằng nhà đất là văn bản ghi nhận các hành vi liên quan đến giao dịch nhà đất của các chủ thể, được Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của các bên của giao dịch.

3.2. Giá trị pháp lý của vi bằng nhà đất

Như vi bằng nói chung, vi bằng nhà đất không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác, nhưng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật và là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, một trong các trường hợp không được lập vi bằng là trường hợp xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực.

Mặt khác, theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, những hợp đồng sau phải công chứng, chứng thực:

– Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản;

– Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản;

– Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Như vậy, đối với những hợp đồng cần phải công chứng, chứng thực nêu trên, Thừa phát lại không được lập vi bằng để xác nhận nội dung, việc ký tên trong những hợp đồng, giao dịch đó. Vi bằng lúc này chỉ được lập để xác nhận có giao dịch thực tế giữa các bên, chứ không thể xác định được giao dịch đó có giá trị pháp lý hay không.

3.3. Những trường hợp liên quan đến nhà đất được lập vi bằng

Thừa phát lại được lập vi bằng liên quan đến nhà đất trong một số trường hợp sau:

– Lập vi bằng để xác nhận tình trạng nhà, đất;

– Lập vi bằng để xác nhận việc giao nhận tiền khi chuyển nhượng nhà đất là hợp pháp, khi hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định;

– Lập vi bằng ghi nhận việc đặt cọc.

Bài viết cùng chủ đề:

Thẩm quyền và phạm vi công việc của thừa phát lại

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Thành Đô về chủ đề: “Vi bằng là gì? Vi bằng nhà đất là gì?”. Quý khách có thắc mắc cần được giải đáp vui lòng liên hệ luật sư qua Hotline: 0919 089 888 để được tư vấn chi tiết.

5/5 - (1 bình chọn)