Quy định pháp luật về biện pháp cầm giữ tài sản

Điều 346 – BLDS 2015 quy định:

” Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”

Khi bên có quyền cầm giữ tài sản của bên có nghĩa vụ, bên có nghĩa vụ không được khai thác và hưởng lợi từ tài sản này một cách trọn vẹn.Chính vì vậy mà việc cầm giữ tài sản tạo sức ép cho bên có nghĩa vụ: nếu bên có nghĩa vụ muốn khai thác toàn bộ công dụng hay hưởng lợi trọn vẹn từ tài sản này thì bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ cho bên mang quyền.

Đây không phải biện pháp bảo đảm mới nhưng đến BLDS năm 2015 thì biện pháp này mới chính thức được công nhận.

Biện pháp cầm giữ tài sản theo quy định pháp luật Việt Nam
Biện pháp cầm giữ tài sản theo quy định pháp luật Việt Nam

Đặc điểm của biện pháp cầm giữ tài sản

– Đây là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự duy nhất trong số các biện pháp bảo đảm thực hiện hiện nghĩa vụ được áp dụng mà không dựa trên sự thoả thuận giữa các bên.

Tức là bên có quyền có thể thực hiện việc cầm giữ tài sản khi đủ điều kiện theo luật quy định mà không cần sự đồng ý của bên có nghĩa vụ. Pháp luật là cơ sở trực tiếp phát sinh quyền được cầm giữ tài sản, nếu như trước đó các bên không có thoả thuận áp dụng biện pháp này. Chính bởi nguyên nhân này, do đó, cầm giữ tài sản mới được bổ sung với ý nghĩa là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, chứ không phải quy định nằm trong phần thực hiện hợp đồng.

– Cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản.

Hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong giao dịch bảo đảm là khi xác lập giao dịch bảo đảm hợp pháp thì quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong trong giao dịch bảo đảm không chỉ phát sinh đối với các chủ thể trực tiếp tham gia giao dịch (bên nhận bảo đảm và bên bên bảo đảm) mà trong những trường hợp luật định còn phát sinh hiệu lực và có giá trị pháp lý đối với cả người thứ ba không phải là chủ thể trong giao dịch bảo đảm;

Thời điểm phát sinh hiệu lực kể từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm. Đây là một điểm mới, không chỉ đối với biện pháp cầm giữ tài sản, mà đối với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nói chung.

Cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình.

Chiếm giữ tài sản là một biện pháp có những nội dung pháp lý đồng nhất với biện pháp cầm cố vì vậy các qui định về nghĩa vụ bảo quản tài sản trong cầm giữ, xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ chính… có thể dẩn chiếu sang các điều luật tương tự trong phần cầm cố.

Điều kiện áp dụng biện pháp cầm giữ tài sản

Để có thể thực hiện biện pháp bảo đảm cầm giữ tài sản, cần lưu ý những điều kiện áp dụng sau:

– Điều kiện đầu tiên để bên có quyền có thể thực hiện quyền cầm giữ tài sản, đó là bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

– Hai là, nghĩa vụ được bảo đảm là nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản và phát sinh trực tiếp từ tài sản đó.

– Ba là, tài sản trong biện pháp cầm giữ tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ. Những tài sản này có thể bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản (khoản 1 Điều 105 BLDS 2015). Từ quy định này, một vấn đề được đặt ra:

Quyền cầm giữ cũng chỉ giới hạn trong tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ, và như vậy, những gì không phải đối tượng của hợp đồng song vụ thì không có khả năng được cầm giữ. BLDS 2015 chưa có quy định nào về cầm giữ tài sản đối với quan hệ song vụ không phải là quan hệ “hợp đồng song vụ”.

Bài viết cùng chủ đề:

Quy định pháp luật về thế chấp tài sản

Đánh giá bài viết này