Công tác đấu thầu đã giúp xã hội giải quyết vấn nạn xin/cho, hạn chế tiêu cực trong đầy tư, thị trường minh bạch hơn, đem lại hiệu quả hơn trong đầu tư, gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, pháp luật về đấu thầu cũng quy định rõ về những hành vi bị cấm trong đấu thầu. Bài viết dưới đây của Luật Thành Đô sẽ cung cấp cho bạn đọc nội dung liên quan đến: “Các hành vi bị cấm trong đấu thầu”

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật đấu thầu 2013 và các văn bản hướng dẫn.

– Những văn bản khác có liên quan.

Các hành vi bị cấm trong đấu thầu (ảnh minh họa)
Các hành vi bị cấm trong đấu thầu (ảnh minh họa)

II. CÁC HÀNH VI BỊ CẤM TRONG ĐẤU THẦU.

– Tại Điều 89 Luật đấu thầu 2013 quy định về các hành vị bị cấm trong đấu thầu, theo đó, những hành vi bị cấm trong đấu thầu bao gồm những hành vi như sau:

– Hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong đấu thầu

– Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu.

– Hành vi thông thầu: hành vi thông thầu là những hành vi do một hoặc các bên tham gia tự thỏa thuận với nhau về việc rút đơn dự thầu, từ chối,… điều này một mặt gây khó khăn cho một hoặc các bên trong các bên khi tham gia vào đấu thầu và một mặt để cho bên còn lại thắng thầu.

Do dó, hành vi thông thầu được biểu hiện dưới những dạng như sau:

+ Một hoặc các bên tự thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu.

+ Một hoặc các bên tự thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu.

+ Một trong các bên tự thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.

– Hành vi gian lận trong đấu thầu: không chỉ trong lĩnh vực đấu thầu mà hầu hết trong tất cả các lĩnh vực khác thì hành vi gian lận đều được coi là một trong những điều tối kỵ, bởi hành vi gian lận gây ra những hậu quả khôn lường và điều này cũng là một trong những nguyên do dẫn đến sự thiếu minh bạch, công khai trong đấu thầu. Pháp luật cũng quy định về những hành vi gian lận trong đấu thầu như sau:

+  Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào.

+  Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

+ Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

– Hành vi cản trở đấu thầu: hành vi cản trở đấu thầu là một trong những hành vi dẫn đến những hậu quả như: làm hủy hoại, lừa dối, thay đổi, che giấu chứng cứ hoặc báo cáo sai sự thật; đe dọa, quấy rối hoặc gợi ý đối với bất kỳ bên nào nhằm ngăn chặn việc làm rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, gian lận hoặc thông đồng đối với cơ quan có chức năng, thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; các hành vi cản trở đối với nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

– Hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch trong đấu thầu: theo đó, hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch bao gồm các hành vi sau đây:

+ Hành vi tham dự thầu với tư cách là nhà thầu, nhà đầu tư đối với gói thầu, dự án do mình làm bên mời thầu, chủ đầu tư hoặc thực hiện các nhiệm vụ của bên mời thầu, chủ đầu tư.

+ Tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với cùng một gói thầu, dự án.

+ Tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đồng thời tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với cùng một gói thầu, dự án.

+ Là cá nhân thuộc bên mời thầu, chủ đầu tư nhưng trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc là người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu, dự án do cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu.

+ Nhà thầu tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp do mình cung cấp dịch vụ tư vấn trước đó;

+ Đứng tên tham dự thầu gói thầu thuộc dự án do chủ đầu tư, bên mời thầu là cơ quan, tổ chức nơi mình đã công tác trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi thôi việc tại cơ quan, tổ chức đó;

+ Nhà thầu tư vấn giám sát đồng thời thực hiện tư vấn kiểm định đối với gói thầu do mình giám sát;

+ Áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật đấu thầu 2013.

+  Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế;

+ Chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật này nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

– Hành vi tiết lộ, tiếp nhận những tài liệu, thông tin sau đây về quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, trừ những trường hợp mà pháp luật quy định:

+ Nội dung hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước thời điểm phát hành theo quy định;

+ Nội dung hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, sổ tay ghi chép, biên bản cuộc họp xét thầu, các ý kiến nhận xét, đánh giá đối với từng hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trước khi công khai danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

+  Nội dung yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của bên mời thầu và trả lời của nhà thầu, nhà đầu tư trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trước khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

+ Báo cáo của bên mời thầu, báo cáo của tổ chuyên gia, báo cáo thẩm định, báo cáo của nhà thầu tư vấn, báo cáo của cơ quan chuyên môn có liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trước khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

+ Kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trước khi được công khai theo quy định;

+ Các tài liệu khác trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được đóng dấu mật theo quy định của pháp luật.

– Hành vi chuyển nhượng thầu: theo quy định của pháp luật thì hành vi chuyển nhượng thầu bao gồm các hành vi như sau:

+ Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết;

+ Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng.

– Hành vi tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu.

Bài viết cùng chủ đề:

Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá

Đại diện doanh nghiệp ký hợp đồng

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về “ Các hành vi bị cấm trong đấu thầu” Quý khách hàng nếu có bất kỳ vướng mắc nào liên quan vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được tư vấn và hướng dẫn thủ tục.

5/5 - (1 bình chọn)