Khi có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự để mọi tội phạm đều bị xử lý kịp thời. Việc khởi tố vụ án hình sự không phụ thuộc vào bị hại có đồng ý hay không. Tuy nhiên, để hạn chế những trường hợp khi có tội phạm xảy ra, việc khởi tố vụ án có thể gây thêm tổn thất cho bị hại, vì thế pháp luật có các quy định về việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, cho phép sự thể hiện ý chí của bị hại trong việc giải quyết các trường hợp gây thiệt hại cho mình nhưng chỉ trong giới hạn nhất định mà xã hội và cộng đồng có thể chấp nhận được. Chính vì vậy, các tội phạm khởi tố theo yêu cầu của bị hại phải được giới hạn ở một mức độ phù hợp, đó là một số trường hợp phạm tội do vô ý hoặc phạm tội cố ý nhưng thiệt hại không lớn, tính chất của sự xâm hại không nghiêm trọng, giới hạn về chủ thể và các quy định về rút yêu cầu khởi tố.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015 có thể thấy, có mười trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại quy định các tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xâm hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền sở hữu công nghiệp của bị hại, không có tình tiết tăng nặng mà chỉ có những tình tiết quy định tại khoản 1 các điều này.

Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại
Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

I. Các trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì trong các trường hợp sau chỉ có thể khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại:

“Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.”

Như vậy, chỉ đối với với một số tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xâm hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền sở hữu công nghiệp của bị hại, nếu không có những tình tiết tăng nặng mà chỉ có những tình tiết quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của BLHS năm 2015 thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc đại diện của người bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, hoặc đã chết. Cụ thể:

Xét về các loại tội, đây là các tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng. Trong đó hầu hết là các tội phạm ít nghiêm trọng, có hai trường hợp thuộc loại tội phạm nghiêm trọng là tội Hiếp dâm theo khoản 1 Điều 141 BLHS và tội cưỡng dâm theo khoản 1 Điều 143 BLHS. Nhưng do các tội này xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của bị hại nên cần thiết phải xem xét ý chí, nguyện vọng của bị hại có muốn xử lý người thực hiện hành vi xâm phạm đến mình hay không nhằm tránh việc xử lý gây thiệt hại thêm cho họ.

Xét về tính nguy hiểm cho xã hội, đây là các trường hợp hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội không cao. Khách thể bị xâm hại là những quan hệ xã hội liên quan trực tiếp đến bản thân bị hại như sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người và quyền sở hữu trí tuệ.

Xét về hậu quả của tội phạm đối với người bị hại, tội phạm gây ra thiệt hại không lớn. Đối tượng bị thiệt hại do các tội phạm gây ra chủ yếu là con người, nhưng có thể là cơ quan, tổ chức, pháp nhân trong trường hợp cơ quan, tổ chức, pháp nhân là chủ sở hữu của quyền sở hữu công nghiệp.

Bên cạnh đó, hậu quả của việc khởi tố vụ án trong các trường hợp này có thể gây ra những bất lợi nhất định đối với bị hại, do vậy bị hại được lựa chọn cách thức xử lý đói với người thực hiện hành vi có dâu hiệu tội phạm gây thiệt hại cho mình.

Như vậy, các trường hợp cụ thể được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là các quy định tại khoản 1 các Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 135 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh), Điều 136 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội), Điều 138 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 139 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính), 141(Tội hiếp dâm), Điều 143 (Tội cưỡng dâm), Điều 155 (Tội làm nhục người khác), Điều 156 (Tội vu khống) và Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp) của Bộ luật hình sự năm 2015 thì các Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền chỉ có thể tiến hành khởi tố vụ án hình sự khi bắt buộc phải có yêu cầu của người bị hại; nếu không có yêu cầu của người bị hại thì cho dù vụ án có đầy đủ dấu hiệu của tội phạm theo Điều 143 BLTTHS năm 2015 thì các Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền cũng không được quyền khởi tố vụ án.

II. Chủ thể yêu cầu khởi tổ vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

Có thể nói, quyết định khởi tố vụ án hình sự nói chung là hành vi mà cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện khi xác định có dấu hiệu tội phạm, không một ai có quyền can thiệp để không khởi tố và không phụ thuộc vào việc người có lợi ích bị xâm hại có đồng ý hay không. Tuy nhiên, đối với các tội quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS, xuất phát từ tính chất vụ án và từ chính lợi ích của người bị hại, pháp luật để cho người bị hại được thể hiện ý chí cá nhân của mình, quyết định việc yêu cầu khởi tố hay không. Đối với những tội phạm này, trong trường hợp người bị hại không có yêu cầu khời tố, cơ quan có thẩm quyền không được phép tự ý khởi tố vụ án hình sự.

Cũng trong khoản 1 Điều 155 BLTTHS 2015 đã nêu rõ những chủ thể có quyền khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại là “bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.”

Về người bị hại, như đã trình bày ở trên thì người bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về vật chất, tinh thần, tài sản, uy tín do tội phạm gây ra và đe dọa gây ra. Thể chất, tinh thần, tài sản của họ phải là đối tượng của tội phạm. Bị hại cũng có thể là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do hành vi phạm tội gây ra hoặc đe dọa gây ra; tài sản và uy tín của cơ quan đó phải là đối tượng của tội phạm.

Trường hợp bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết là những trường hợp bị hại không đủ năng lực hoặc mất năng lực pháp luật, thì người đại diện của bị hại có quyền yêu cầu khởi tố vụ án. Yêu cầu của người đại diện có giá trị như yêu cầu của bị hại.

Pháp luật tố tụng hình sự hiện hành không quy định thế nào là người đại diện của bị hại. Theo quy định của bộ luật dân sự thì quan hệ đại diện được xác lập theo pháp luật hoặc theo ủy quyền, cả hai trường hợp này đều là đại diện hợp pháp. Trong đó, đại diện theo pháp luật là đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Người đại diện theo pháp luật gồm cha, mẹ đối với con chưa thành niên và những người khác theo quy định của pháp luật. Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện. Các cơ quan tố tụng thường dựa vào quy định về hàng thừa kế để xác định người đại diện theo pháp luật.

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì hàng thừa kế thứ nhất gồm “vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi”; Hàng thừa kế thứ hai gồm “ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ôn g ngoại, bà ngoại”; hàng thừa kế thứ ba là “cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của nguời chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”

Liên quan đến vấn đề hợp pháp của người đại diện hợp pháp của người bị hại thì không phải người đại diện nào cũng có quyền yêu cầu khởi tố, mà chỉ người đại diện hợp pháp của bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểmvề tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Nếu bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì cha, mẹ, người giám hộ của họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của bị hại. Trong trường hợp bị hại chết thì cha, mẹ, vợ, chồng, con của bị hại tham gia tố tụng với tư cách là đại diện hợp pháp của bị hại và có những quyền của bị hại. Nếu bị hại là cơ quan, tổ chức thì đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức tham gia với tư cách là đại diện hợp pháp của bị hại.

III. Về nội dung, hình thức yêu cầu khởi tố

Hiện nay, Bộ luật tố tụng chưa có quy định về nội dung yêu cầu khởi tố, nhưng có thể hiểu nội dung yêu cầu khởi tố là yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Bởi vì một trong những mục đích của việc khởi tố vụ án hình sự là nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, đối với trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại cũng không ngoại lệ.

Nội dung yêu cầu khởi tố có thể chứa đựng những thông tin về tội phạm nên yêu cầu khởi tố có thể đồng thời là tố giác tội phạm ( điểm d Điều 4 BLTTS 2015), Điều 143 BLTTHS 2015). Tuy nhiên, yêu cầu khởi tố phải là đơn kiện chứ không phải là căn cứ khởi tó vụ án hình sự, căn cứ duy nhất để khởi tố vụ án hình sự là dấu hiệu tội phạm. Nếu chỉ có yêu cầu khởi tố mà không xác minh được có dấu hiệu tội phạm thì không được khởi tố vụ án hình sự, ngược lại, khi có dấu hiệu tội phạm thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại nhưng không có yêu cầu khởi tố của bị hại thì cũng không được khởi tố vụ án hình sự.

Hình thức yêu cầu khởi tố vụ án hình sự cũng không được quy định cụ thể, nhưng tại thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 về quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2003 có quy định về vấn đề này tại mục 7.2 theo đó “yêu cầu khởi tố của người bị hại hoặc người đại diện được thể hiện bằng đơn yêu cầu có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ; nếu bị hại hoặc người đại diện đến trực tiếp trình bày thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải lập biên bản ghi rõ nội dung yêu cầu khởi tố và yêu cầu họ ký hoặc chỉ điểm vào biên bản. Biên bản do Viện kiểm sát lập phải được chuyển ngay cho cơ quan điều tra để xem xét khởi tố vụ án hình sự và đưa vào hò sơ vụ án”

IV. Hậu quả pháp lý của việc yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

Trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại thì bắt buộc phải có yêu cầu của bị hại trước khi khởi tố. Chỉ khi nào người bị hại đưa ra yêu cầu khởi tố vụ án thì cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án mới được ra quyết định khởi tố, sau đó vụ án được giải quyết theo thủ tục chung. Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại là điều kiện cần thiết và bắt buộc để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố.

Vậy nên, hậu quả pháp lý của việc yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là vụ án sẽ được khởi tố và giải quyết theo thu tục chung. Trong trường hợp khởi tố vụ án thì tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày, bổ sung ý kiên sau khi kiểm sát viên trình bày luận tội (khoản 4 Điều 30 BLTTHS 2015). Bị hại đã yêu cầu khởi tố phải chịu án phí hình sự sơ thẩm trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại, mà sau đốTà án tuyên bố bị cáo không có tội hoặc vụ án bị đình chỉ do người có yêu cầu khởi tố rút yêu cầu theo quy định của BLTTHS năm 2015.

Trường hợp không yêu cầu khởi tố vụ án là căn cứ để quyết định không khởi tố vụ án hình sự, hủy quyết định khởi tố vụ án hình sự, đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án.

Bài viết cùng chủ đề:

Phân biệt tố giác và tố cáo 

Mẫu đơn tố cáo mới nhất 2022

Đánh giá bài viết này