- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 19/01/2022
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
Khi tham gia giao kết các giao dịch, doanh nghiệp phải thông qua người đại diện. Người đại diện này sẽ nhân danh doanh nghiệp ký hợp đồng với bên còn lại. Vậy Những ai có quyền đại diện doanh nghiệp ký hợp đồng? Hay nói cách khác, trong doanh nghiệp, những chủ thể nào có quyền ký hợp đồng? Kính mời quý khách hàng cùng Luật Thành Đô tìm hiểu vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Bộ luật dân sự năm 2015;
– Luật Doanh nghiệp năm 2020.

II. ĐẠI DIỆN DOANH NGHIỆP ĐƯỢC HIỂU NHƯ THẾ NÀO?
Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đại diện là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Theo Điều 85 Bộ luật Dân sự năm 2015, đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.
Như vậy, đại diện trong doanh nghiệp được hiểu là việc một cá nhân nhân danh và vì lợi ích của doanh nghiệp xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự. Đại diện trong doanh nghiệp bao gồm đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền.
III. NHỮNG CHỦ THỂ CÓ QUYỀN ĐẠI DIỆN DOANH NGHIỆP KÝ HỢP ĐỒNG
3.1. Trường hợp đại diện theo pháp luật – đại diện doanh nghiệp ký hợp đồng
Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:
– Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;
– Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;
– Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật Dân sự.
Theo khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, đối với việc giao kết hợp đồng, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp, những chủ thể sau sẽ là người đại diện doanh nghiệp ký hợp đồng:
Loại hình doanh nghiệp | Chủ thể có quyền ký hợp đồng | Căn cứ pháp lý |
Công ty cổ phần | – Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (nếu công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật);
– Chủ tịch Hội đồng quản trị (nếu Điều lệ chưa quy định); – Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (nếu công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật). |
Khoản 2 Điều 137
|
Công ty TNHH 02 thành viên trở lên | – Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
– Chủ tịch Hội đồng thành viên (nếu Điều lệ công ty không quy định). |
Khoản 3 Điều 54 |
Công ty TNHH 01 thành viên | – Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
– Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty (nếu Điều lệ công ty không quy định). |
Khoản 3 Điều 79 |
Công ty hợp danh | Tất cả các thành viên hợp danh | Khoản 1 Điều 184 |
Doanh nghiệp tư nhân | Chủ doanh nghiệp tư nhân | Khoản 3 Điều 190 |
Đối với hình thức đại diện theo pháp luật này, người đại diện sẽ đương nhiên có quyền ký kết hợp đồng, thực hiện các giao dịch nhân danh doanh nghiệp, vì lợi ích của doanh nghiệp.
3.2. Trường hợp đại diện theo ủy quyền – đại diện doanh nghiệp ký hợp đồng
Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự…”
Theo Điều 14 Luật Doanh nghiệp năm 2020, người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức phải là cá nhân được ủy quyền bằng văn bản nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đó thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Trong trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc cử người đại diện theo ủy quyền thực hiện theo quy định sau đây:
– Tổ chức là thành viên công ty TNHH 02 thành viên trở lên có sở hữu ít nhất 35% vốn điều lệ có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện theo ủy quyền;
– Tổ chức là cổ đông công ty cổ phần có sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện theo ủy quyền.
Bài viết cùng chủ đề:
Các loại hợp đồng và trình tự giao kết hợp đồng
Thủ tục công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất
Trên đây là tư vấn của công ty Luật Thành Đô về chủ đề: “Những ai có quyền đại diện doanh nghiệp ký hợp đồng?”. Quý khách có thắc mắc cần được giải đáp vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được hỗ trợ giải đáp.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn