Để kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, doanh nghiệp cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để được cấp Giấy phép tư vấn du học (hay còn gọi là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học). Tuy nhiên trong quá trình hoạt động nếu phát sinh những trường hợp Giấy phép tư vấn du học bị mất, cháy, rách, nát hoặc bị tiêu hủy dưới các hình thức khác nhau thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục, trình tự xin cấp lại giấy phép tư vấn du học.

Để giúp các Quý doanh nghiệp hiểu rõ về trình tự, thủ tục này, Luật Thành Đô trân trọng gửi tới bài viết: “Cấp lại giấy phép tư vấn du học như thế nào”.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Giáo dục số 43/2019/QH14;

– Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

– Nghị định số 135/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

– Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

– Thông tư số 23/2013/TT-BGDĐT quy định về tổ chức, bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học;

– Thông tư 29/2013/TT-BGDĐT ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học;

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Cấp lại giấy phép tư vấn du học như thế nào?
Cấp lại giấy phép tư vấn du học như thế nào?

II. THỦ TỤC CẤP LẠI GIẤY PHÉP TƯ VẤN DU HỌC

Hiện nay, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về trường hợp xin cấp lại Giấy phép tư vấn du học, và trên thực tế, hiện nay cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang triển khai thủ tục xin cấp lại giấy phép tư vấn du học tương tự như thủ tục cấp mới Giấy phép tư vấn du học, cụ thể:

Bước 1: Đáp ứng các điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học

Từ thời điểm được cấp cho đến thời điểm xin cấp lại, doanh nghiệp phải chứng minh, giải trình việc vẫn đáp ứng đầy đủ các điều kiện về hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học sau:

– Doanh nghiệp phải có đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học đạt trình độ đại học trở lên;

– Nhân viên trực tiếp tư vấn du học phải có năng lực sử dụng ít nhất một ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương;

– Nhân viên trực tiếp tư vấn du học phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học (Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học là chứng nhận của cơ quan nhà nước về việc nhân viên trực tiếp tư vấn du học khi đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học được ban hành kèm theo Thông tư số 29/2013/TT-BGDĐT).

Bước 2: Hồ sơ xin cấp lại Giấy phép tư vấn du học

Doanh nghiệp có nhu cầu cấp lại Giấy phép tư vấn du học cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ sau:

– Văn bản đề nghị cấp lại Giấy phép tư vấn du học đã được cấp phép trước đó (Nêu rõ lý do bị mất hoặc bị tiêu hủy, hư hỏng Giấy phép, trường hợp bị mất thì phải có xác nhận của Cơ quan công an);

– Văn bản giải trình về tình hình hoạt động dịch vụ tư vấn du học của doanh nghiệp và chứng minh doanh nghiệp vẫn đảm bảo các điều kiện về hoạt động kinh doanh tư vấn du học;

– Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

– Danh sách đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học (Danh sách cần có những nội dung sau: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, vị trí công việc sẽ đảm nhiệm tại tổ chức dịch vụ tư vấn du học; bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu văn bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học).

Bước 3: Nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy phép tư vấn du học

Doanh nghiệp gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ xin cấp lại Giấy phép tư vấn du học đến Sở Giáo dục và Đào tạo nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

Bước 4: Kiểm tra hồ sơ và cấp lại Giấy phép tư vấn du học

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định hồ sơ, thẩm tra tính xác thực của tài liệu trong hồ sơ và cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

Nếu chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức dịch vụ tư vấn du học và nêu rõ lý do.

Bài viết cùng chủ đề:

Điều kiện cuả nhân viên trực tiếp tư vấn du học

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Thành Đô về thủ tục, trình tự xin cấp lại Giấy phép tư vấn du học. Nếu Quý doanh nghiệp còn có bất cứ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ Công ty Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết này