- Chuyên mục: Tư vấn luật đất đai
- Ngày đăng: 07/05/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng là một trong những quyền cơ bản của người sử dụng đất. Đây là việc người sử dụng đất dùng quyền sử dụng đất để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Để thực hiện quyền này, người sử dụng đất cần đáp ứng một số điều kiện nhất định. Tuy nhiên nhiều người còn thắc mắc có bắt buộc phải có Giấy chứng nhận mới được thế chấp quyền sử dụng đất không? Luật Thành Đô xin tư vấn về vấn đề này như sau:
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật đất đai số 45/2013/QH13
– Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13
II. THẾ CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT LÀ GÌ?
Khoản 1 điều 317 Bộ luật dân sự quy định thế chấp tài sản là việc một bên (bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (bên nhận thế chấp).
Theo đó, có thể hiểu thế chấp quyền sử dụng đất là việc người sử dụng đất dùng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ và không giao đất cho bên nhận thế chấp. Trong trường hợp này, bên thế chấp sẽ giao Giấy chứng nhận cho bên nhận thế chấp.

III. ĐIỀU KIỆN THẾ CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Về loại đất được thế chấp, theo khoản 1 điều 179, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuộc một trong những loại đất sau được quyền thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng:
– Đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức
– Đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất
– Đất được cho thuê trả tiền đất một lần cho cả thời gian thuê
– Đất được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất
– Đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế
Về điều kiện thế chấp, điều 188 quy định người sử dụng đất được thế chấp quyền sử dụng đất khi đáp ứng điều kiện sau:
– Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền thế chấp sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất của nhà nước; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền thế chấp khi có đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp người sử dụng đất chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện việc thế chấp.
– Đất không có tranh chấp;
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
– Trong thời hạn sử dụng đất.
Bên cạnh đó, việc thế chấp quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
IV. THẾ CHẤP ĐẤT KHI KHÔNG CÓ SỔ ĐỎ CÓ ĐƯỢC KHÔNG?
Mặc dù pháp luật đất đai quy định một trong những điều kiện để thế chấp quyền sử dụng đất là phải có Giấy chứng nhận, tuy nhiên vẫn có trường hợp chưa có sổ đỏ vẫn được thế chấp quyền sử dụng đất nếu có đủ những điều kiện sau:
– Đất không có tranh chấp.
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
– Trong thời hạn sử dụng đất.
– Quyền sử dụng đất là di sản thừa kế
– Đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận
– Đã đăng ký đất đai lần đầu.
V. CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐƯỢC THẾ CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Trong một số trường hợp kể cả khi đất đã đáp ứng đủ các điều kiện (đất trong thời hạn sử dụng, có giấy chứng nhận, quyền sử dụng đất không bị kê biên và không vướng tranh chấp ) nhưng người sử dụng đất vẫn không được thế chấp, cụ thể:
– Người quản lý di sản là quyền sử dụng đất không được thế chấp quyền sử dụng đất đó nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản (Theo Điểm b Điều 617 Bộ luật Dân sự năm 2015).
– Không được thế chấp đất của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư. Khoản 2 Điều 181 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Như vậy, dù đất của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư đã có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì cũng không được thế chấp.
– Tổ chức, cá nhân sử dụng đất tại cảng hàng không, sân bay không được thế chấp quyền sử dụng đất. Do Khoản 4 Điều 156 Luật Đất đai năm 2013 quy định tổ chức, cá nhân sử dụng đất tại cảng hàng không, sân bay phải sử dụng đất đúng mục đích; không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Bài viết cùng chủ đề:
Giải quyết tranh chấp đất đai khi không có sổ đỏ
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề thế chấp quyền sử dụng đất khi chưa có sổ đỏ. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919.089.888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn