- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 11/02/2022
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục Việt Nam, mà ở đó trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ cho đến tính cách. Nhằm hiện thực hóa chính sách phát triển mầm non song vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục của các cơ sở đào tạo, nhà nước đã quy định điều kiện, yêu cầu để các cơ sở giáo dục mầm non như trường mẫu giáo, trường mầm non hoạt động giáo dục.
Vậy những điều kiện, yêu cầu đó là gì? Và để được cấp phép hoạt động giáo dục, trường mầm non, trường mẫu giáo cần phải thực hiện thủ tục như thế nào? Luật Thành Đô trân trọng gửi tới Quý độc giả bài viết: “Điều kiện và thủ tục để trường mẫu giáo, trường mầm non hoạt động giáo dục” nhằm giải đáp những thắc mắc liên quan đến vấn đề này.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật Giáo dục số 43/2019/QH14;
– Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;
– Nghị định số 135/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;
– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRƯỜNG MẪU GIÁO, TRƯỜNG MẦM NON HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC
Để được phép hoạt động giáo dục, trường mẫu giáo, trường mầm non phải đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
(2) Có đất đai, trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu, duy trì và phát triển hoạt động giáo dục, cụ thể:
– Trường mẫu giáo, trường mầm non phải được đặt tại khu dân cư bảo đảm các quy định về an toàn và vệ sinh môi trường;
– Diện tích khu đất xây dựng gồm: Diện tích xây dựng; diện tích sân chơi; diện tích cây xanh, đường đi. Diện tích khu đất xây dựng bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ em đối với khu vực đồng bằng, trung du (trừ thành phố thị xã); 08 m2 cho một trẻ em đối với khu vực thành phố, thị xã, núi cao và hải đảo;
– Khuôn viên của trường mẫu giáo, trường mầm non có tường bao ngăn cách với bên ngoài;
– Cơ cấu khối công trình bao gồm:
+ Khối phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo: Phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng vệ sinh, hiên chơi bảo đảm theo đúng quy chuẩn quy định;
+ Khối phòng phục vụ học tập: Phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật hoặc phòng đa chức năng;
+ Khối phòng tổ chức ăn: Khu vực nhà bếp và kho;
+ Khối phòng hành chính quản trị gồm: Văn phòng trường, phòng hiệu trưởng, phòng phó hiệu trưởng, phòng hành chính quản trị, phòng y tế, phòng bảo vệ, phòng dành cho nhân viên, khu vệ sinh cho giáo viên, cán bộ, nhân viên, khu để xe cho giáo viên, cán bộ, nhân viên;
+ Sân chơi gồm: Sân chơi của nhóm, lớp; sân chơi chung.
– Có thiết bị, đồ chơi, đồ dùng, tài liệu chăm sóc, giáo dục trẻ em.
(3) Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non và tổ chức hoạt động giáo dục.
(4) Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục.
(5) Có quy chế tổ chức và hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non.
Lưu ý:
– Đối với nơi khó khăn về đất đai, có thể thay thế diện tích xây dựng bằng diện tích sàn xây dựng và bảo đảm đủ diện tích theo quy định;
– Trường mẫu giáo, trường mầm non có thể thuê trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị của Nhà nước, cơ sở giáo dục công lập không sử dụng để tổ chức hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật;
– Trường mẫu giáo, trường mầm non dân lập, tư thục có thể thuê một phần hoặc toàn bộ quỹ nhà và cơ sở hạ tầng của Nhà nước để tổ chức hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật.
III. THỦ TỤC ĐỂ TRƯỜNG MẪU GIÁO, TRƯỜNG MẦM NON HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC
Sau khi thỏa mãn các điều kiện để hoạt động giáo dục được quy định ở mục II của bài viết này, trường mẫu giáo, trường mầm non cần thực hiện thủ tục đề nghị cho phép hoạt động giáo dục, cụ thể:
Bước 1: Hồ sơ đề nghị cho phép hoạt động giáo dục
Hồ sơ đề nghị cho phép hoạt động bao gồm đầy đủ các loại giấy tờ sau:
– Tờ trình đề nghị cho phép hoạt động giáo dục;
– Bản sao có chứng thực quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non;
– Danh sách cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt gồm hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, tổ trưởng tổ chuyên môn (nêu rõ trình độ chuyên môn được đào tạo); danh sách đội ngũ giáo viên (nêu rõ trình độ chuyên môn được đào tạo); hợp đồng làm việc đã được ký giữa trường mẫu giáo, trường mầm non với từng cán bộ quản lý, giáo viên;
– Chương trình giáo dục mầm non, tài liệu phục vụ cho việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non;
– Danh mục số lượng phòng học, phòng làm việc, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng các điều kiện theo quy định;
– Các văn bản pháp lý: xác nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê trụ sở trường mẫu giáo, trường mầm non với thời hạn tối thiểu 05 năm; xác nhận về số tiền hiện có do trường mẫu giáo, trường mầm non đang quản lý, bảo đảm tính hợp pháp và cam kết sẽ chỉ sử dụng để đầu tư xây dựng và chi phí cho các hoạt động thường xuyên của trường mẫu giáo, trường mầm non sau khi được cho phép hoạt động giáo dục; phương án huy động vốn và cân đối vốn tiếp theo để bảo đảm duy trì ổn định hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non trong giai đoạn 05 năm, bắt đầu từ khi được tuyển sinh;
– Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non.
Bước 2: Nộp hồ sơ đề nghị cho phép hoạt động giáo dục
Sau khi hoàn thành hồ sơ, trường mẫu giáo, trường mầm non gửi bộ hồ sơ đến Phòng Giáo dục và Đào tạo (có thể gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện).
Bước 3: Thẩm định hồ sơ
Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận và trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ thông báo kế hoạch thẩm định cơ sở nếu hồ sơ đã hợp lệ.
Trường hợp hồ sơ chưa đúng quy định thì thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung cho trường mẫu giáo, trường mầm non.
Bước 4: Thẩm định thực tế
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kế hoạch thẩm định thực tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan tổ chức thẩm định thực tế.
Bước 5: Quyết định cho phép hoạt động giáo dục
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép hoạt động giáo dục.
Nếu chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Phòng Giáo dục và Đào tạo có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho trường mẫu giáo, trường mầm non nêu rõ lý do.
Bài viết cùng chủ đề:
Thủ tục thành lập trường mầm non dân lập
Trên đây là toàn bộ bài viết về điều kiện và thủ tục để trường mẫu giáo, trường mầm non hoạt động giáo dục. Nếu Quý độc giả còn có bất cứ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ Công ty Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp chi tiết.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn