Quy định về góp vốn của thành viên hợp tác xã là chủ đề được nhiều người quan tâm. Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Cũng giống như các loại hình doanh nghiệp khác, hợp tác xã thực hiện tự chủ về tài sản, để hợp tác xã phát triển cần sự đóng góp của các thành viên thông qua hình thức góp vốn vào hợp tác xã.

Khi có nhu cầu góp vốn vào hợp tác xã, các chủ thể cần thiết phải nắm rõ các quy định của pháp luật về điều kiện, cách thức, thủ tục góp vốn để tiến hành một cách chính xác. Để làm rõ hơn về những quy định này, Luật Thành Đô xin giới thiệu bài viết: “Quy định về việc góp vốn của thành viên hợp tác xã, thủ tục góp vốn vào hợp tác xã như thế nào?”

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13

– Nghị định số 193/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã;

– Thông tư số 03/20114/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã;

– Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/20114/TT-BKHĐT ngày 26 tháng 05 năm 2014 của Bộ kế hoạch và đầu tư hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã;

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Góp vốn của thành viên hợp tác xã, thủ tục góp vốn vào hợp tác xã như thế nào?
Góp vốn của thành viên hợp tác xã, thủ tục góp vốn vào hợp tác xã như thế nào?

II. QUY ĐỊNH VỀ GÓP VỐN CỦA THÀNH VIÊN HỢP TÁC XÃ

Góp vốn được hiểu là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của hợp tác xã.

Theo quy định tại điều 42 Luật Hợp tác xã 2012, vốn góp là tiền đồng Việt Nam, các loại tài sản khác được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam. Bao gồm ngoại tệ, hiện vật, giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ và các loại giấy tờ có giá tại thời điểm góp vốn.

Giá trị vốn góp bằng các loại tài sản khác được xác định theo nguyên tắc thỏa thuận giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc thông qua tổ chức thẩm định.

Điều 17 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định về việc góp vốn điều lệ và giấy chứng nhận vốn góp, trong đó khoản 1 quy định về việc góp vốn của thành viên hợp tác xã, theo đó:

– Về giới hạn mức vốn góp: Đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã;

– Về thời hạn, hình thức và mức góp vốn của thành viên: Thời hạn, hình thức và mức vốn góp của thành viên theo quy định của điều lệ, thời hạn góp đủ vốn không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã;

– Khi góp đủ vốn, thành viên hợp tác xã được hợp tác xã cấp Giấy chứng nhận vốn góp.

Bài viết cùng chủ đề:

Quy định về cơ cấu tổ chức của hợp tác xã

Thủ tục giải thể hợp tác xã

III. THỦ TỤC GÓP VỐN VÀO HỢP TÁC XÃ

3.1. Tiến hành góp vốn của thành viên hợp tác xã vào hợp tác xã

Tổ chức, cá nhân tiến hành góp vốn vào hợp tác xã theo đúng mức vốn góp, hình thức và thời hạn quy định trong điều lệ và Luật Hợp tác xã;

3.2. Cấp giấy chứng nhận vốn góp

Khi góp đủ vốn, thành viên hợp tác xãđược hợp tác xãcấp giấy chứng nhận vốn góp. Giấy chứng nhận vốn góp có các nội dung chủ yếu sau đây:

– Tên, địa chỉ trụ sở chính của hợp tác xã;

– Số và ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã;

– Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của thành viên là cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp cho hộ gia đình;

Trường hợp thành viên là pháp nhân thì phải ghi rõ tên, trụ sở chính, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân;

– Tổng số vốn góp, thời điểm góp vốn;

– Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã;

Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thay đổi, thu hồi giấy chứng nhận vốn góp do điều lệ quy định.

Lưu ý:

Với trường hợp góp vốn là quyền sử dụng đất, do quyền sử dụng đất là tài sản đặc biệt phải thực hiện đăng ký quyền sở hữu với cơ quan có thẩm quyền, nên khi thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào hợp tác xã, thành viên hợp tác xã phải thực hiện thủ tục sang tên;

– Trường hợp thành viên góp vốn để thành lập hợp tác xã, hợp tác tiến hành thủ tục thành lập hợp tác xã theo thủ tục quy định tại điều 14 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã;

– Trường hợp hợp tác xã đã thành lập nhưng có thành viên khác góp vốn vào hoặc thành viên hợp tác xã góp thêm vốn dẫn đến thay đổi vốn điều lệ của hợp tác xã, hợp tác xã tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hợp tác xã theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã.

IV. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA THÀNH VIÊN CÓ PHẦN VỐN GÓP TRONG HỢP TÁC XÃ

* Quyền lợi của thành viên:

– Thành viên hợp tác xã có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau mà không phụ thuộc vào số vốn góp khi tham gia quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã;

– Các thành viên sẽ được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã; được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ nghiệp vụ phục vụ hoạt động của hợp tác xã;

– Thành viên được trả lại vốn góp khi ra khỏi hợp tác xã theo quy định của Luật này và điều lệ.

* Nghĩa vụ của thành viên:

– Góp đủ, đúng thời hạn vốn góp đã cam kết theo quy định của điều lệ. Nếu thành viên không góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong điều lệ sẽ bị chấm dứt tư cách thành viên;

– Chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã trong phạm vi vốn góp vào hợp tác xã.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về việc góp vốn của thành viên hợp tác xã, thủ tục góp vốn vào hợp tác xã. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

5/5 - (1 bình chọn)