Ngân hàng thương mại cổ phần là ngân hàng được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác nhằm mục tiêu lợi nhuận. Đây là loại hình ngân hàng phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay, cũng là nhóm trung gian tài chính lớn nhất.

Hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần phải tuân theo các quy chế, quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặc biệt đối với việc đăng kí thành lập. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về điều kiện thành lập ngân hàng thương mại cổ phần, Luật Thành Đô xin tư vấn thông qua bài viết sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017;

– Nghị định số 86/2019/NĐ-CP Quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

– Thông tư số 40/2011/TT-NHNN Quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam;

– Thông tư số 25/2019/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN.

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều kiện thành lập ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam
Điều kiện thành lập ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam

II. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN

2.1. Điều kiện về vốn

– Có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật tại thời điểm thành lập. Theo đó, khoản 1 điều 2 Nghị định 86/2019/NĐ-CP quy định vốn pháp định thành lập ngân hàng thương mại là 3000 tỷ đồng;

– Vốn điều lệ được góp bằng đồng Việt Nam;

– Các tổ chức, cá nhân không được dùng vốn ủy thác, vốn vay của các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn góp.

2.2. Điều kiện về cổ đông sáng lập khi thành lập ngân hàng tmcp

Điều kiện đối với cổ đông sáng lập ngân hàng thương mại cổ phần được quy định tại điều 9 Thông tư 40/2011/TT-NHNN, sửa đổi bởi thông tư số 25/2019/TT-NHNN như sau:

* Các điều kiện chung

– Chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn góp;

– Cam kết hỗ trợ ngân hàng thương mại cổ phần về tài chính để giải quyết khó khăn trong trường hợp ngân hàng khó khăn về vốn hoặc khả năng thanh khoản;

– Không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác;

– Có tối thiểu 02 cổ đông sáng lập là tổ chức;

– Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% vốn điều lệ khi thành lập ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó các cổ đông sáng lập là tổ chức phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% tổng số cổ phần của các cổ đông sáng lập;

* Các điều kiện cụ thể

– Đối với cổ đông sáng lập là cá nhân:

+ Mang quốc tịch Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật;

+ Không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020;

+ Có khả năng về tài chính để góp vốn thành lập ngân hàng; không được dùng vốn ủy thác, vốn vay của các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn;

+ Là người quản lý doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong ít nhất 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoặc có bằng đại học, trên đại học chuyên ngành kinh tế hoặc luật.

– Đối với cổ đông sáng lập là tổ chức:

+ Được thành lập theo pháp luật Việt Nam;

+ Có khả năng về tài chính để góp vốn thành lập ngân hàng và cam kết không được dùng vốn ủy thác, vốn huy động, vốn vay, của các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn;

+ Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;

+ Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng trong 05 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;

+ Kinh doanh có lãi trong 05 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;

+ Trường hợp là doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn góp cam kết theo số liệu từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền kề thời điểm gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;

+ Trường hợp là doanh nghiệp Nhà nước, phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản cho phép tham gia góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần theo quy định của pháp luật;

+ Trường hợp là tổ chức được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định liên quan của pháp luật;

+ Trường hợp là ngân hàng thương mại: phải có tổng tài sản tối thiểu là 100.000 tỷ đồng, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm cấp Giấy phép; Không vi phạm các tỷ lệ về đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm cấp Giấy phép; Tuân thủ điều kiện, giới hạn mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng; Đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sau khi góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần.

Bài viết cùng chủ đề:

Thành lập công ty tài chính 100% vốn nước ngoài

Thủ tục mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp mới thành lập

2.3. Điều kiện về người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát

Điều 50 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định điều kiện đối với người quản lí, điều hành, thành viên Ban kiểm soát ngân hàng thương mại cổ phần như sau:

* Đối với thành viên Hội đồng quản trị

– Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật các Tổ chức tín dụng;

– Có đạo đức nghề nghiệp;

– Có bằng đại học trở lên;

– Có ít nhất 03 năm là người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng hoặc có ít nhất 05 năm là người quản lý, người điều hành của doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc của doanh nghiệp khác có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với loại hình tổ chức tín dụng tương ứng hoặc có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp tại bộ phận nghiệp vụ về tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán.

* Đối với thành viên độc lập của Hội đồng quản trị

– Điều kiện như đối với thành viên Hội đồng quản trị;

– Không phải là người đang làm việc cho chính tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng đó hoặc đã làm việc cho chính tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng đó trong 03 năm liền kề trước đó;

– Không phải là người hưởng lương, thù lao thường xuyên của tổ chức tín dụng ngoài những khoản phụ cấp của thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định;

– Không phải là người có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em và vợ, chồng của những người này là cổ đông lớn của tổ chức tín dụng, người quản lý hoặc thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng;

– Không trực tiếp, gián tiếp sở hữu hoặc đại diện sở hữu từ 1% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của tổ chức tín dụng; không cùng người có liên quan sở hữu từ 5% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của tổ chức tín dụng;

– Không phải là người quản lý, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng tại bất kỳ thời điểm nào trong 05 năm liền kề trước đó.

* Đối với thành viên Ban kiểm soát

– Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật các Tổ chức tín dụng;

– Có đạo đức nghề nghiệp;

– Có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, kế toán, kiểm toán; có ít nhất 03 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, kế toán hoặc kiểm toán; nhiệm;

– Không phải là người có liên quan của người quản lý tổ chức tín dụng;

– Thành viên Ban kiểm soát chuyên trách phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

* Đối với Tổng giám đốc (Giám đốc)

– Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật các Tổ chức tín dụng;

– Có đạo đức nghề nghiệp;

– Có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật;

– Có ít nhất 05 năm là người điều hành của tổ chức tín dụng hoặc có ít nhất 05 năm là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với loại hình tổ chức tín dụng tương ứng và có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc có ít nhất 10 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán;

– Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

* Đối với Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng, Giám đốc Chi nhánh, Giám đốc công ty con và các chức danh tương đương

– Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 33 của Luật các Tổ chức tín dụng; đối với Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 33;

– Có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhiệm; hoặc có bằng đại học trở lên ngoài các ngành, lĩnh vực nêu trên và có ít nhất 03 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhiệm;

– Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

2.4. Điều kiện về điều lệ và đề án thành lập, phương án kinh doanh

– Có Điều lệ phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

– Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về điều kiện thành lập ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919 089 888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

Đánh giá bài viết này