Tư vấn du học là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Phụ lục IV Luật đầu tư năm 2014. Do đó, nếu doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp có chức năng kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam muốn kinh doanh dịch vụ tư vấn du học thì cần phải thực hiện thủ tục mở trung tâm tư vấn du học. Hay nói cách khác, thủ tục này chính là thủ tục xin cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, Luật Thành Đô xin gửi tới Quý khách hàng bài viết Hướng dẫn mở trung tâm tư vấn du học.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật đầu tư năm 2020;

– Luật doanh nghiệp năm 2020;

– Luật giáo dục năm 2019;

– Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy đinh điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

– Nghị định số 135/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP;

– Thông tư 01/2014/TT-BGDDT ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam;

– Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT về việc quy định chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng anh thực hành;

– Các văn bản pháp lý liên quan khác.

Huớng dẫn mở trung tâm tư vấn du học
Hướng dẫn mở trung tâm tư vấn du học

II. ĐIỀU KIỆN MỞ TRUNG TÂM TƯ VẤN DU HỌC

2.1. Điều kiện về hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học

Kinh doanh dịch vụ tư vấn du học bao gồm các hoạt động giới thiệu, tư vấn thông tin về chính sách giáo dục của các quốc gia và vùng lãnh thổ; Tư vấn lựa chọn trường học, khóa học, ngành nghề và trình độ phù hợp với khả năng và nguyện vọng của người học; Tổ chức quảng cáo, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm về du học theo quy định của pháp luật; Tổ chức chiêu sinh, tuyển sinh du học; Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng cần thiết cho công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập; Tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, đưa cha mẹ hoặc người giám hộ tham quan nơi đào tạo ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; Các hoạt động khác liên quan đến kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

Vì vậy, doanh nghiệp khi mở trung tâm tư vấn du học chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học mà Luật Thành Đô vừa nêu trên đây.

2.2. Điều kiện về ngành nghề kinh doanh dịch vụ tư vấn du học

Trước khi tiến hành xin giấy phép mở trung tâm tư vấn du học, doanh nghiệp cần đăng ký ngành nghề tư vấn du học như sau:

Tên ngành, nghề Mã ngành, nghề
Dịch vụ hỗ trợ giáo dục

Chi tiết:

– Tư vấn du học

(Điều 106 Nghị định 46/2017/NĐ-CP)

8560

Nếu quý khách hàng đã thành lập doanh nghiệp mà chưa có ngành nghề kinh doanh tư vấn du học, quý khách hàng cần nhanh chóng thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh để kịp tiến độ xin cấp giấy phép.

2.3. Điều kiện về nhân sự trung tâm tư vấn du học

Pháp luật về tư vấn du học luôn đảm bảo du học sinh được cung cấp một dịch vụ du học tốt nhất đến từ những người có năng lực, trình độ theo quy định của pháp luật. Khi xin cấp giấy phép tư vấn du học, doanh nghiệp cần đáp ứng tối thiểu 01 nhân sự có đầy đủ 03 điều kiện về đội ngũ nhân sự tư vấn du học để đảm bảo chất lượng tư vấn du học tại Điều 107 Nghị định 46/2017/NĐ-CP như sau:

(1) Có trình độ đại học trở lên;

(2) Có năng lực sử dụng ít nhất một ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương;

(3) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

2.3.1. Điều kiện về năng lực sử dụng ngoại ngữ của nhân viên tư vấn du học

Tham khảo Mức độ tương thích của khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc của Việt Nam với Khung tham chiếu chung Châu Âu (Tiếng Anh) được quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDDT dưới đây:

KNLNNVN CERF
Sơ cấp Bậc 1 A1
Bậc 2 A2
Trung cấp Bậc 3 B1
Bậc 4 B2
Cao cấp Bậc 5 C1
Bậc 6 C2

Tuy nhiên, các chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEIC, chứng chỉ tiếng Nhật, chứng chỉ tiếng Trung, … ngày càng phổ biến. Do vậy, việc quy đổi các chứng chỉ này sang khung năng lực 6 bậc của Việt Nam rất được quan tâm. Ví dụ: Tiếng Anh B2, Ielts 5.5, Toeic 600, tiếng Nhật N3, tiếng Trung HSK cấp độ 4, …

Tham khảo hai bảng quy chuẩn trình độ sau theo Thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo trình độ tiến sỹ:

Tiếng Anh

Cấp độ (CEFR) IELTS TOEFL TOEIC Cambridge Exam BEC BULATS
B1 4.5 450 PBT 133 CBT 45 iBT 450 Preliminary PET Business Preliminary 40
B2 5.5 500 BPT 173 CBT 61 iBT 600 First FCE Busines Vantage 60

(Các điểm số nêu trên là điểm tối thiểu cần đạt được)

Một số tiếng khác

Cấp độ (CEFR) Tiếng Nga Tiếng Pháp Tiếng Đức Tiếng Trung Tiếng Nhật
B1 TRKI 1 DELF B1

TCF niveau 3

B1

ZD

HSK cấp độ 3 JLPT N4
B2 TRKI 2 DELF B2

TCF niveau 4

B2

TestDaF level 4

HSK cấp độ 4 JLPT N3

2.3.2. Điều kiện về chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học

Điều kiện về chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn du học là một trong những điều kiện bắt buộc khi nộp giấy phép mở trung tâm tư vấn du học. Mỗi nhân viên tư vấn du học phải tham gia một lớp đào tạo chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học tại Học viện quản lý giáo dục. Thời gian một lớp học khoảng 15 ngày (8 buổi trên lớp, 7 buổi thực hành tại cơ sở) với mức học phí khoảng 3.000.000 VNĐ/khóa.

2.4. Điều kiện về cơ sở vật chất của trung tâm tư vấn du học

Nghị định 135/2018/NĐ-CP ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 46/2017/NĐ-CP đã bãi bỏ 02 điều kiện đối với kinh doanh du học sau:

(1) Tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học được thành lập theo quy định của pháp luật;

(2) Có trụ sở, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh tư vấn du học;

Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ cấp giấy phép mở trung tâm tư vấn du học, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể yêu cầu các giấy tờ về cơ sở vật chất, trụ sở, phòng cháy chữa cháy, …nhằm đảm bảo cho hoạt động tư vấn du học của doanh nghiệp là đảm bảo các quy định về an toàn và các điều kiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tối thiểu cho du học sinh trước khi đi du học.

Ngoài ra, khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu mở trung tâm tư vấn du học thì tham khảo bài viết của Luật Thành Đô về Thủ tục mở trung tâm du học có vốn đầu tư nước ngoài để biết thêm chi tiết.

Thủ tục thay đổi địa chỉ trung tâm tư vấn du học

III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC MỞ TRUNG TÂM TƯ VẤN DU HỌC

Bước 1: Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ như quy định tại Mục IV

Bước 2: Nộp 01 bộ hồ sơ tại theo 02 cách sau:

– Trực tiếp tại Sở giáo dục và đào tạo tỉnh/thành phố nơi mở trung tâm tư vấn du học;

– Nộp qua đường bưu điện;

Bước 3: Quy trình thực hiện

Trong vòng 15 ngày làm việc Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo thẩm định hồ sơ, thẩm tra tính xác thực của tài liệu trong hồ sơ Trung tâm tư vấn du học;

– Nếu hồ sơ hợp lệ, Giám đốc sở Giáo dục và đào tạo cử đoàn công tác xuống xác minh, kiểm tra thực tế lại cơ sở;

– Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Giám đốc sở Giáo dục và đạo tạo ra thông báo bằng văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Bước 4: Nhận kết quả

Sở giáo dục và đào tạo cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học hoặc thông báo bằng văn bản cho tổ chức dịch vụ tư vấn du học và nêu rõ lý do.

IV. HỒ SƠ MỞ TRUNG TÂM TƯ VẤN DU HỌC

Hồ sơ và trình tự mở trung tâm tư vấn du học được hướng dẫn tại Điều 108 Nghị định 46/2017/NĐ-CP và được hướng dẫn sửa đổi tại Khoản 44 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, ngoài những giấy tờ quy định tại Nghị định hướng dẫn thì Sở giáo dục và Đào tạo còn yêu cầu thêm một số loại giấy tờ khác. Theo kinh nghiệm thực tế, Luật Thành Đô liệt kê các hồ sơ cần thiết để mở trung tâm tư vấn du học dưới đây:

STT TÊN VĂN BẢN SỐ LƯỢNG TÌNH TRẠNG
1 Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; với những nội dung chủ yếu gồm: Mục tiêu, nội dung hoạt động; khả năng khai thác và phát triển dịch vụ du học ở nước ngoài; kế hoạch và các biện pháp tổ chức thực hiện; phương án giải quyết khi gặp vấn đề rủi ro đối với người được tư vấn du học; 01 Bản gốc
2 Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. 01 Bản sao
3 Quyết định về việc thành lập trung tâm tư vấn du học 01 Bản gốc
4 Danh sách đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học 01 Bản gốc
5 Danh sách đội ngũ nhân viên công ty phụ trách hoạt động tư vấn du học 01 Bản gốc
6 Hồ sơ cá nhân của giám đốc trung tâm tư vấn du học (Giám đốc trung tâm có thể đồng thời là Người đại diện theo pháp luật của công ty) gồm:

– CMND/CCCD/Hộ chiếu;

– Bằng cấp cao nhất của giám đốc trung tâm hiện có;

– Sơ yếu lý lịch;

– Quyết định bổ nhiệm giám đốc trung tâm tư vấn du học;

01 Bản sao
7 Hồ sơ cá nhân nhân viên trực tiếp tư vấn du học

– CMND/CCCD/Hộ chiếu

– Bằng đại học trở lên;

– Chứng chỉ ngoại ngữ ;

– Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học;

– Sơ yếu lý lịch;

01 Bản sao

 

8 Tài liệu chứng minh cơ sở vật chất:

– Bảng kê cơ sở vật chất;

– Hợp đồng thuê trụ sở;

– Tài liệu chứng minh quyền sử dụng đất;

01 Bản sao
9 Tài liệu định hướng du học 01 Bản sao
10 Mẫu hợp đồng du học tự túc 01 Bản mẫu
5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Trên đây là toàn bộ tư vấn, hướng dẫn căn bản của Luật Thành Đô dành cho doanh nghiệp mở trung tâm tư vấn du học tại Việt Nam. Trong trường hợp quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ mở trung tâm tư vấn du học tại Việt Nam, quý khách hàng có thể tin tưởng lựa chọn Công ty Luật Thành Đô để nhận được nhiều ưu đãi.

Nếu quý khách hàng còn thắc mắc cần được tư vấn, giải đáp, quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết.

5/5 - (1 bình chọn)