Theo các quy định về xuất khẩu nhập khẩu thì nhập khẩu, xuất khẩu được hiểu là hoạt động một quốc gia mua hàng hoá vào lãnh thổ, bán ra các sản phẩm cho quốc gia khác. Trong một số trường hợp, đối với các hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cụ thể thuộc các trường hợp phải tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu thì cơ quan có thẩm quyền sẽ phải ra quyết định áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

Luật Thành Đô trân trọng giới thiệu bài viết về “Các quy định về tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu”.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật quản lý ngoại thương 2017;

– Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương;

– Thông tư số 12/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương;

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Quy định về tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu (ảnh minh họa)
Quy định về tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu (ảnh minh họa)

II. CÁC QUY ĐỊNH VỀ TẠM NGỪNG XUẤT KHẨU, TẠM NGỪNG NHẬP KHẨU

2.1. Biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu

Theo Điều 11 Luật quản lý ngoại thương 2017 thì biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu được hiểu như sau:

– Tạm ngừng xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ nội địa vào khu vực hải quan riêng hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định;

– Tạm ngừng nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa hoặc từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định.

2.2. Áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu

Áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu được quy định tại Điều 12 Luật quản lý ngoại thương 2017. Theo đó, khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, cụ thể:

– Hàng hóa thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong quản lý ngoại thương:

+ Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra chiến tranh, tham gia chiến tranh, xung đột hoặc có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia của Việt Nam;

+ Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó;

+ Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra sự cố, thiếu sót, sai sót kỹ thuật mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó;

+ Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc có cơ sở khoa học chứng minh được sự ảnh hưởng đó;

– Hàng hóa thuộc trường hợp sau nhưng chưa có trong Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu:

+ Hàng hóa bị cấm xuất khẩu do liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép xuất khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Hàng hóa bị cấm xuất khẩu nhằm bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; Hàng hóa bị cấm xuất khẩu theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

+ Hàng hóa bị cấm nhập khẩu do liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hàng hóa gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng; gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục; gây nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học, có nguy cơ cao mang theo sinh vật gây hại, đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc bị cấm nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

2.3. Thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu

Thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu được quy định tại Điều 13 Luật quản lý ngoại thương 2017. Cụ thê thì thẩm quyền này được xác định như sau:

– Bộ trưởng Bộ Công Thương có thẩm quyết định việc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu trên cơ sở lấy ý kiến hoặc theo đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, trừ trường hợp pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có quy định khác;

– Bộ Công Thương có trách nhiệm thông báo với các tổ chức kinh tế quốc tế, các nước có liên quan theo thủ tục đã thỏa thuận khi có quyết định về việc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa.

Lưu ý:

– Trên cơ sở lấy ý kiến hoặc theo đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đã có quyết định tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu nhằm mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh, trừ trường ợp pháp luật về thú y, bảo vệ và kiển dịch thực vật có quy định khác.

– Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đã có quyết định tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu đối với khu vực hải quan riêng được thực hiện theo quy định.

Bài viết cùng chủ đề:

Các đối tượng phải chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Trường hợp nào được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Trên đây, là bài viết của Luật Thành Đô về: “Các quy định về tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu”. Quý khách hàng vui lòng tham khảo bài viết trên, nếu có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến các quy định về tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được tư vấn.

Đánh giá bài viết này