Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là một hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, theo đó một doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp khác mà không phải chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp đó. Chủ sở hữu doanh nghiệp sẽ căn cứ vào nhiều lí do, mục đích để thực hiện việc chuyển đổi doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật và định hướng phát của doanh nghiệp.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì có 4 trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Vậy 4 trường hợp đó là gì và phương thức chuyển đổi được quy định như thế nào? Để giải đáp cho những thắc mắc liên quan đến vấn đề này, Luật Thành Đô trân trọng giới thiệu bài viết: Các trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hiện nay.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14;

– Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;

– Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Các trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (ảnh minh họa)
Các trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (ảnh minh họa)

II. CÁC TRƯỜNG HỢP CHUYỂN ĐỔI LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP

2.1. Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần

Các phương thức chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần bao gồm:

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác;

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc môt phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác;

– Kết hợp cả 3 phương thức trên.

2.2. Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Các phương thức chuyển đổi từ công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bao gồm:

– Một cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tương ứng của tất cả cổ đông còn lại;

– Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của tất cả cổ đông của công ty;

– Công ty chỉ còn lại 01 cổ đông.

Lưu ý: Việc chuyển nhượng hoặc nhận góp vốn đầu tư phải thực hiện theo giá thị trường, giá được định theo phương pháp tài sản, phương pháp dòng tiền chiết khấu hoặc phương pháp khác.

2.3. Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Các phương thức chuyển đổi từ công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bao gồm:

– Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mà không huy động thêm hoặc chuyển nhượng cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác;

– Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

– Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

– Công ty chỉ còn lại 02 cổ đông;

– Kết hợp cả 4 phương thức trên.

2.4. Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh

Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp được chuyển đổi phải thỏa mãn các điều kiện sau:

– Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;

– Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định của pháp luật;

– Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;

– Nộp đầy đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Khi đáp ứng đủ các điều kiện này, doanh nghiệp sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Thứ hai, chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;

Thứ ba, chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;

Thứ tư, chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.

III. LƯU Ý KHI CHUYỂN ĐỔI LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP

– Công ty được chuyển đổi đương nhiên thừa kế toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

– Còn đối với trường hợp chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân thành các loại hình doanh nghiệp khác thì công ty được chuyển đổi sẽ đương nhiên thừa kế quyền, nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Ngoài ra, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ phát sinh trước ngày công ty được chuyển đổi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Bài viết cùng chủ đề:

Tư vấn về Hồ sơ chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

Trên đây là toàn bộ bài viết về các trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Quý độc giả nếu còn có bất cứ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề chuyển đổi loại hình nói riêng và quản trị doanh nghiệp nói chung thì có thể liên hệ Công ty Luật Thành Đô để được tư vấn một cách chi tiết.

5/5 - (1 bình chọn)