Pháp luật quy định công dân có quyền tự do kinh doanh trong phạm vi mà pháp luật cho phép. Chủ thể có quyền thành lập doanh nghiệp được pháp luật thừa nhận và có quyền tiến hành đăng ký kinh doanh cũng như quyền quản lý doanh nghiệp. Pháp luật trao quyền đồng thời cũng bảo vệ quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp. Vậy những quy định cụ thể về quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam được quy định như thế nào?

Luật Thành Đô trân trọng giới thiệu bài viết về Quy định về quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam”.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật doanh nghiệp 2020;

Luật cán bộ công chức 2008;

Luật Viên chức 2010;

Luật phòng, chống tham nhũng 2018.

II. KHÁI NIỆM NGƯỜI THÀNH LẬP VÀ NGƯỜI QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP

– Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

– Người thành lập doanh nghiệp là cá nhân, tổ chức thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp.

Quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam (ảnh minh họa)
Quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam (ảnh minh họa)

III. QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN THÀNH LẬP VÀ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

Quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp gắn liền với nhau, khi tổ chức, cá nhân có quyền thành lập doanh nghiệp thì sẽ phát sinh nhu cầu quản lý doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp phát triển theo định hướng ngành nghề đã đăng ký.

Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020 quy định tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật doanh nghiệp, trừ các trường hợp sau:

– Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

Việc quy định những người có chức vụ quyền hạn làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính minh bạch và thống nhất trong quản lý doanh nghiệp. Luật tham nhũng 2018 cũng quy định những người có chức vụ quyền hạn không được thành lập, góp vốn vào doanh nghiệp.

– Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

Cá nhân muốn được thành lập doanh nghiệp thì điều kiện cơ bản phải là người có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự tức là đủ 18 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Quy định này nhằm đảm bảo người thành lập và quản lý doanh nghiệp phải có khả năng điều hành được doanh nghiệp, định hướng và phát triển doanh nghiệp.

– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Những đối tượng này thuộc các trường hợp bị tước một số quyền công dân trong một thời gian nhất định. Do đó, việc thành lập và quản lý doanh nghiệp là không thể đối với những trường hợp này

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

– Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Tổ chức có tư cách pháp nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tuy nhiên nếu các pháp nhân này vi phạm pháp luật và bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định thì trường hợp này pháp nhân sẽ không được thành lập và quản lý doanh nghiệp.

Như vậy, cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện sẽ được thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp, trừ những trường hợp pháp luật quy định không được thành lập.

5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết liên quan:

Tư vấn đặt tên doanh nghiệp, những điều cần lưu ý

Hồ sơ chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty TNHH một thành viên

Trên đây, là bài viết của Luật Thành Đô về Quy định về quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Quý khách hàng tham khảo bài viết trên, nếu có bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được hướng dẫn và giải đáp.

5/5 - (1 bình chọn)