Khi bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì phải nộp phạt ở đâu, trong thời hạn bao lâu, trình tự thủ tục như thế nào? Trong bài viết sau đây, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn giải đáp các câu hỏi này.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)

– Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính

– Nghị định 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

Thủ tục nộp phạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính giao thông
Thủ tục nộp phạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính giao thông

II. THỜI HẠN NỘP PHẠT HÀNH CHÍNH GIAO THÔNG LÀ BAO LÂU?

Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi theo Khoản 39 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính 2020) quy định:

1. Trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 68 hoặc khoản 2 Điều 79 của Luật này, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt theo quy định tại khoản 2 Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

2. Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt.

Trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt.

3. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính bị phạt tiền phải nộp tiền phạt một lần, trừ trường hợp quy định tại Điều 79 của Luật này.

Mọi trường hợp thu tiền phạt, người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt.

Như vậy:

– Thời hạn nộp tiền phạt là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

– Thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần.

– Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

III. THỦ TỤC NỘP TIỀN PHẠT THEO QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH GIAO THÔNG

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP (được bổ sung bởi Khoản 16 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP), cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau:

– Nộp trực tiếp tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt được ghi trong quyết định xử phạt

– Nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt

– Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp:

+ Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản: phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức

+ Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn

+ Xử phạt ngoài giờ hành chính

– Nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không đối với trường hợp người bị xử phạt là:

+ Hành khách quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam

+ Thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam

+ Thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam.

– Nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc nhà nước thông qua dịch vụ bưu chính công ích

3.1. Thủ tục nộp phạt vi phạm giao thông trực tiếp tại kho bạc nhà nước

Bước 1: Nộp phạt

Người bị xử phạt mang quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến kho bạc nhà nước hoặc đến ngân hàng được kho bạc nhà nước ủy quyền thu tiền phạt vi phạm giao thông để nộp phạt.

Bước 2: Nhận lại giấy tờ

Sau đó khi nộp phạt, người bị xử phạt mang theo biên lai thu tiền được kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng cấp quay lại Phòng/ Đội Cảnh sát giao thông đã ra quyết định xử phạt để nhận lại các giấy tờ xe của mình.

3.2. Thủ tục nộp phạt vi phạm giao thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến

Bước 1: Nộp phạt

Người bị xử phạt truy cập vào trang web https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html, đăng nhập tài khoản và nộp tiền phạt.

Bước 2: Nhận lại giấy tờ

Người nộp phạt có thể chọn nhận giấy tờ trực tiếp tại cơ quan cảnh sát giao thông hoặc nhận tại nhà qua dịch vụ bưu chính công ích.

5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết cùng chủ đề:

Hồ sơ và thủ tục đổi giấy phép lái xe sắp hết hạn

Khi nào người nước ngoài được lái xe ở Việt Nam

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 0919 089 888 để được hỗ trợ giải đáp.

5/5 - (3 bình chọn)