- Chuyên mục: Tư vấn luật lao động
- Ngày đăng: 03/07/2022
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Quy định pháp luật Việt Nam về Thời gian nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm thai sản
Thời gian hưởng chế độ khi khám thai
Thời gian hưởng chế độ khi khám thai được quy định tại Điều 32 LBHXH 2014, theo đó, việc quy định cụ thể số lần và thời gian nghỉ hưởng chế độ khám thai được xây dựng trên cơ sở đặc điểm thời gian mang thai cùng các giai đoạn phát triển của thai nhi cũng như tình hình sức khỏe của lao động nữ mang thai, đảm bảo trong suốt quá trình mang thai, NLĐ nữ và thai nhi luôn được quan tâm chăm sóc sức khỏe đầy đủ và kịp thời.
Với quy định này, có thể thấy LBHXH 2014 đã thể hiện tinh thần chú trọng, quan tâm hơn đến sức khỏe lao động nữ và thai nhi trong suốt thai kỳ, đảm bảo các quyền lợi về bảo hiểm thai sản một cách tốt nhất.

Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo thai, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo thai, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý được quy định tại Điều 33 LBHXH 2014 . Khác với trường hợp NLĐ nữ đi khám thai, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trong trường hợp này tính cả ngày nghỉ lệ, nghỉ Tết, ngày nghỉ cuối tuần.
Trường hợp thai chết lưu trong thời gian NLĐ nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước sinh thì NLĐ nữ vẫn được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tính từ ngày thai chết lưu (điểm a khoản 1 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH).
Việc quy định thời gian nghỉ thai sản trong trường hợp lao động nữ sẩy thai, nạo hút thai, thai chết lưu,… căn cứ vào tuần cuối thai nhi là một quy định mang tính hợp lý và phù hợp với căn cứ khoa học. Điều này đảm bảo sự chăm sóc trong điều kiện tốt nhất cho NLĐ nữ trong các trường hợp trên.
Thời gian hưởng chế độ khi sinh con
Theo quy định tại Điều 34 LBHXH 2014, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm một tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Quy định định này đã tạo lập một hành lang pháp lý thống nhất chung về thời gian lao động nữ được nghỉ để hưởng chế độ thai sản, đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con cũng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để chăm sóc vợ con, tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con. LBHXH 2014 quy định về thời gian nghỉ sinh con còn có thêm nhiều chính sách dành cho NLĐ tại khoản 3, 4, 5, 6 Điều 34 LBHXH 2014.
Mặc dù quy định thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi lao động nữ sinh con là 06 tháng nhưng pháp luật BHXH hiện hành cũng có quy định lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh với 2 điều kiện là đã hưởng chế độ ít nhất 04 tháng; đã báo trước cho NSDLĐ và được NSDLĐ đồng ý. Trường hợp ngày ngoài tiền lương, NLĐ nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn 06 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ
Trong bối cảnh việc mang thai hộ và nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã được pháp luật cho phép, LBHXH 2014 đã quy định về thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ nhằm đảm bảo quyền được hưởng bảo hiểm cho NLĐ nữ trong các trường hợp này tại Điều 35.
Theo đó, người mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ có đầy đủ quyền được hưởng bảo hiểm thai sản như trường hợp mang thai và sinh con thông thường.
Tuy nhiên, do có sự chuyển giao việc nuôi dưỡng con sơ sinh nên thời gian hưởng chế độ bảo hiểm thai sản của lao động nữ mang thai hộ sẽ được tính đến thời điểm giao đứa trẻ cho người nhờ mang hộ. Khi đó, sức khỏe của cả lao động nữ mang thai hộ cũng như đứa trẻ được đảm bảo một cách tốt nhất, tuy nhiên không vượt quá mức quy định là 06 tháng.
Còn đối với người mẹ nhờ mang thai hộ, họ có quyền được nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm thai sản kể từ thời điểm nhận con đến khi con đủ 06 tháng tuổi nhằm đảm bảo quỹ thời gian hợp lý chăm sóc con trong giai đoạn sơ sinh một cách tốt nhất.
Thời gian hưởng chế độ đối với lao động nữ nhận con nuôi
Theo quy định tại Điều 36 LBHXH 2014, NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật này thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.
Việc quy định họ được quyền hưởng chế độ thai sản góp phần bảo vệ quyền được làm cha, làm mẹ của NLĐ, đảm bảo công bằng, không phân biệt con nuôi, con đẻ, thể hiện tính nhân văn của pháp luật và thống nhất với các quy định pháp luật khác.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm thai sản khi lao động nữ thực hiện các biện pháp tránh thai
Không chỉ quy định cho pháp NLĐ nữ được nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm thai sản khi mang thai, sinh con và nuôi con, LBHXH 2014 còn quy định NLĐ nữ trong quá trình làm việc mà thực hiện các biện pháp tránh thai cũng được quyền nghỉ việc hưởng bảo hiểm thai sản theo quy định tại Điều 37. Thời gian nghỉ được căn cứ vào chỉ định của các cơ sở y tế, khám, chữa bệnh có thẩm quyền nhưng không quá tối đa thời hạn theo quy định của pháp luật.
Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định là 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai và 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản. Thời gian nghỉ tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần.
Bài viết cùng chủ đề:
Cách tính mức hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp mới nhất
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn