- Chuyên mục: Tin tức
- Ngày đăng: 06/04/2022
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Có thể nói trong số các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hiện nay, thế chấp là biện pháp được sử dụng phổ biến và xuyên suốt nhất trong quá trình sinh hoạt của con người. Đặc biệt, khi cần vay những khoản tiền lớn, mọi người thường lựa chọn việc thế chấp sổ đỏ tại Ngân hàng. Và sau khi đã hoàn thành hết nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng, người thế chấp sổ đỏ phải thực hiện thủ tục giải chấp.
Vậy, thủ tục giải chấp sổ đỏ tại Ngân hàng được thực hiện như thế nào? Luật Thành Đô sẽ giải đáp vấn đề này cho quý khách hàng thông qua bài viết dưới đây.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 09 năm 2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm;
– Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT ngày 23 tháng 06 năm 2016 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
II. CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC GIẢI CHẤP SỔ ĐỎ
Giải chấp sổ đỏ được hiểu là việc xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tức là, sau khi hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng, người thế chấp sẽ thực hiện thủ tục giải chấp nhằm mục đích xác nhận với cơ quan có thẩm quyền rằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đó không còn là đối tượng thế chấp tại Ngân hàng.
Theo khoản Điều 21 Nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 09 năm 2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm, các trường hợp sau đây sẽ được giải chấp sổ đỏ:
– Chấm dứt việc thế chấp tài sản;
– Hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp thế chấp đã đăng ký bằng biện pháp bảo đảm khác;
– Thay thế toàn bộ tài sản thế chấp bằng tài sản khác;
– Xử lý xong toàn bộ tài sản thế chấp;
– Tài sản thế chấp bị tiêu hủy, bị tổn thất toàn bộ; tài sản thế chấp là tài sản gắn liền với đất bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Có bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật về việc hủy bỏ biện pháp thế chấp, tuyên bố biện pháp thế chấp vô hiệu;
– Đơn phương chấm dứt biện pháp thế chấp hoặc tuyên bố chấm dứt biện pháp thế chấp khác trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật;
– Xóa đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở trong trường hợp chuyển tiếp đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật;
– Cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng thừa phát lại đã kê biên, xử lý xong tài sản thế chấp;
– Theo thỏa thuận của các bên.
III. THỦ TỤC GIẢI CHẤP SỔ ĐỎ TẠI NGÂN HÀNG
3.1. Hồ sơ cần chuẩn bị giải chấp sổ đỏ tại ngân hàng
Theo quy định tại Điều 47 Nghị định 102/2017/NĐ-CP và Điều 26 Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT, hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:
– Phiếu yêu cầu xóa đăng ký (01 bản chính);
– Văn bản đồng ý xóa đăng ký thế chấp của Ngân hàng hoặc văn bản xác nhận giải chấp của Ngân hàng trong trường hợp phiếu yêu cầu xóa đăng ký chỉ có chữ ký của bên bảo đảm (01 bản chính hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính);
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản nhà gắn liền trên đất (01 bản chính);
– Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính).
Trong trường hợp xóa đăng ký khi Cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng thừa phát lại đã kê biên, xử lý xong tài sản thế chấp, người yêu cầu đăng ký nộp 01 bộ hồ sơ như sau:
– Phiếu yêu cầu xóa đăng ký (01 bản chính);
– Văn bản đồng ý xóa đăng ký biện pháp thế chấp của Ngân hàng hoặc văn bản xác nhận giải chấp của Ngân hàng trong trường hợp phiếu yêu cầu xóa đăng ký chỉ có chữ ký của bên bảo đảm (01 bản chính hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính);
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản nhà gắn liền trên đất (01 bản chính);
– Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính);
– Văn bản xác nhận kết quả xử lý tài sản thế chấp của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng thừa phát lại (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính).
3.2. Trình tự thực hiện giải chấp sổ đỏ tại ngân hàng
Bước 1: Nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra độ chính xác, hợp lệ của hồ sơ.
Bước 3: Văn phòng đăng ký đất đai ghi nội dung xóa đăng ký vào Sổ địa chính và Sổ đỏ theo quy định.
Bước 4: Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trả kết quả trong ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ, thì hoàn thành việc đăng ký và trả kết quả ngay trong ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ thì cũng không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ.
Kết quả trả lại gồm: 01 bản chính Đơn yêu cầu xóa đăng ký có chứng nhận của Văn phòng đăng ký đất đai và Giấy chứng nhận có ghi nội dung xóa đăng ký.
Bài viết liên quan:
Trên đây là tư vấn của công ty Luật Thành Đô về chủ đề: “Thủ tục giải chấp sổ đổ tại Ngân hàng”. Quý khách có thắc mắc cần được giải đáp vui lòng liên hệ luật sư qua Hotline: 0919 089 888 để được tư vấn chi tiết.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn