- Chuyên mục: Tư vấn luật lao động
- Ngày đăng: 15/07/2022
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Điều 179 BLLĐ 2019 nêu khái niệm tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Theo quy định, tranh chấp lao động cá nhân phải được hòa giải trước khi yêu cầu trọng tài hoặc tòa án, trừ các tranh chấp không bắt buộc thông qua hòa giải (Điều 188 BLLĐ). Mỗi bên tranh chấp có thể gửi yêu cầu giải quyết đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND (tỉnh hoặc huyện). Việc gửi yêu cầu đến cơ quan này là không bắt buộc.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến Hòa giải viên lao động (HGVLĐ) đối với trường hợp bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải lao động, chuyển đến Hội đồng trọng tài lao động (HĐTTLĐ) trong trường hợp yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết hoặc hướng dẫn gửi đến Tòa án để giải quyết.
Nhìn chung cơ chế giải quyết tranh chấp lao động cá nhân đã kết hợp hai loại thủ tục tố tụng: ngoài tòa án và tại tòa án. Cụ thể quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp như sau:
Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân thông qua hoà giải viên lao động
Các bên tranh chấp có thể gửi đơn yêu cầu đến HGVLĐ hoặc gửi đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND. HGVLĐ phải kết thúc việc hoà giải trong 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải. Quy định này đảm bảo giải quyết vụ việc nhanh chóng, kịp thời, tạo điều kiện cho các chủ thể ổn định lại quan hệ, tăng cơ hội duy trì quan hệ lao động. Nhưng mặt khác, quy định này cũng đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm cũng như thái độ rất tích cực giải quyết vụ việc từ các hoà giải viên.
Tại phiên họp hoà giải phải có mặt các bên hoặc đại diện của các bên tranh chấp. Khi mở phiên họp, hoà giải viên có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các bên thương lượng. Khoản 4 Điều 188 BLLĐ 2019 quy định các trường hợp lâp biên bản hòa giải như sau:
+ Nếu các bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.
+ Nếu các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trường hợp các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.
+ Nếu phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành. Biên bản hòa giải không thành phải có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động.
Tuy nhiên, biên bản hòa giải thành của HGVLĐ lại không được cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành nếu bên có nghĩa vụ không tự nguyện thi hành.
Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại hội đồng trọng tài lao động
Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu HĐTTLĐ giải quyết tranh chấp trong trường họp: không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải hoặc trường họp hết thời hạn hòa giải quy định mà HGVLĐ không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành theo quy định tại khoản 4 Điều 188 BLLĐ. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi cho các bên, pháp lúật đã quy định cụ thể thời hạn giải quyết tranh chấp của hội đồng trọng tài:
– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 189 BLLĐ 2019, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp;
– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập, ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp. Trường hợp hết thời hạn 07 ngày mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn 30 ngày mà ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu toà án giải quyết. Nếu một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp lao động thì các bên có quyền yêu càu toà án giải quyết.
Như vậy có thể thấy, pháp luật nước ta không quy định việc cưỡng chế thi hành đối với các quyết định, biên bản giải quyết tranh chấp lao động của HĐTTLĐ. Do đó, trong trường hợp một bên không tự nguyện thực hiện cam kết theo quyết định của Ban trọng tài lao động thì quyền lợi của bên kia sẽ bị ảnh hưởng.
Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại toà án
Trường hợp tranh chấp không bắt buộc phải qua hoà giải; hết thời hạn hoà giải mà không tiến hành hoà giải; hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thoả thuận trong biên bản hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài lao động hoặc toà án giải quyết.
Trường hợp các bên lựa chọn phương thức giải quyết tại hội đồng trọng tài thì trong thời gian hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp các bên không được đồng thời yêu cầu toà án giải quyết, chỉ trong trường họp ban trọng tài không được thành lập hoặc hết thời hạn giải quyết mà không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của ban hoà giải.
Việc giải quyết tranh chấp tại toà án tuân theo quy định về trình tự, thủ tục tố tụng quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Bài viết cùng chủ đề:
Hòa giải tranh chấp lao động cá nhân
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn