Hợp đồng lao động là hình thức pháp lí chủ yếu xác lập mối quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đối với lao động giúp việc gia đình do có đặc thù riêng nên pháp luật không áp dụng hợp đồng lao động thông thường như đối với lao động khác mà quy định riêng hợp đồng lao động đối với người giúp việc gia đình nhằm tạo khung pháp lý bảo đảm quyền lợi cho đối tượng lao động này.

Vậy pháp luật quy định như thế nào về giao kết hợp đồng lao động đối với người giúp việc gia đình? Bài viết dưới đây của Luật Thành Đô sẽ cung cấp cho bạn đọc nội dung liên quan đến: “Giao kết hợp đồng lao động đối với người giúp việc gia đình”.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn.

– Những văn bản khác có liên quan.

Giao kết hợp đồng lao động đối với người giúp việc gia đình
Giao kết hợp đồng lao động đối với người giúp việc gia đình

II. GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI NGƯỜI GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH. 

2.1. Chủ thể giao kết hợp đồng lao động

– Chủ thể giao kết hợp đồng lao động đối với người giúp việc gia đình gồm hai bên: lao động giúp việc gia đình và người sử dụng lao động, đều phải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

– Đối với lao động giúp việc gia đình, pháp luật các quốc gia quy định độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung là đều không thấp hơn độ tuổi tối thiểu chung của người lao động. Tại Việt Nam, trên cơ sở quy định tại Điều 4 Công ước số 189 của ILO: “Lao động giúp việc gia đình không thấp hơn độ tuổi tối thiểu chung của người lao động được quy định trong pháp luật quốc gia”, pháp luật quy định người lao động đủ điều kiện tham gia công việc giúp việc gia đình phải thuộc một trong hai trường hợp:

1) Người từ đủ 18 tuổi trở lên;

2) Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì phải có văn bản đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động. Như vậy, khác với hợp đồng lao động thông thường, hợp đồng lao động đối với người giúp việc gia đình không áp dụng đối với người lao động dưới 15 tuổi.

– Đối với người sử dụng lao động, điều kiện bắt buộc là phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thuộc một trong các trường hợp sau đây: Chủ hộ; Người được chủ hộ hoặc các chủ hộ uỷ quyền hợp pháp; Hoặc người được các thành viên trong hộ gia đình hoặc các hộ gia đình ủy quyền hợp pháp.

2.2. Hình thức và nội dung hợp đồng lao động

– Hình thức hợp đồng lao động: 

Tại Việt Nam, trước kia hợp đồng lao động đối với người giúp việc gia đình được giao kết bằng lời nói. Bởi khi đó, lao động giúp việc gia đình chưa phổ biến và phát triển như hiện nay và lao động giúp việc gia đình phần lớn là người thân quen trong họ hàng, làng xóm hoặc được bạn bè, người quen giới thiệu. Hợp đồng lao động được xác lập chủ yếu dựa vào lòng tin.

Tuy nhiên, trong thực tiễn thực, hiện quy định này dần thể hiện những điểm không phù hợp. Đó là tình trạng lao động giúp việc gia đình vi phạm nghĩa vụ lao động hoặc chủ sử dụng lao động không bảo đảm các quyền lợi cho người lao động, có hành vi xâm phạm thân thể, danh dự… của người lao động xảy ra khá phổ biến. Bởi vậy khi có tranh chấp lao động xảy ra, không có căn cứ để giải quyết.

Vì thế, nhằm tạo cơ sở pháp lý ràng buộc các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động, đồng thời làm căn cứ để quản lý lao động, giải quyết tranh chấp lao động nếu có, cũng như pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới, Bộ luật lao động năm 2019, tại khoản 1 Điều 162 quy định: “Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình”.

– Nội dung hợp đồng lao động:

Để bảo vệ lao động giúp việc gia đình và ràng buộc trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm các quyền lợi cho lao động giúp việc gia đình, Điều 7 Công ước số 189 của ILO đã quy định cụ thể các nội dung của hợp đồng lao động. Theo đó, nội dung của hợp đồng lao động đối với người giúp việc gia đình bao gồm:

(a) Tên và địa chỉ của người sử dụng lao động và của người lao động;

(b) Địa chỉ của nơi hoặc những nơi làm việc thông thường;

(c) Ngày bắt đầu, và nếu hợp đồng có xác định thời hạn, thời hạn của hợp đồng;

(d) Loại hình công việc được thực hiện;

(đ) Tiền lương, phương pháp tính và chu kỳ trả lương;

(e) Số giờ làm việc thông thường;

(g) Nghỉ hàng năm có trả lương, thời gian nghỉ hàng ngày và hàng tuần;

(h) Các điều khoản về ăn và ở, nếu phù hợp;

(i) Thời gian thử việc hoặc tập sự, nếu phù hợp;

(k) Điều khoản về hồi hương, nếu phù hợp;

(1) Các điều khoản và điều kiện về chấm dứt hợp đồng làm việc, bao gồm cả thời gian thông báo trước cho người lao động giúp việc gia đình hoặc người sử dụng lao động.

Dựa trên cơ sở những quy định cụ thể này và để phù hợp với điều kiện của Việt Nam, khoản 3 Điều 162 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: “Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở”. Ngoài các điều khoản chủ yếu này, trên cơ sở quy định của pháp luật, các bên có thể thỏa thuận thêm các nội dung khác phù hợp với điều kiện thực tế.

2.3. Thủ tục giao kết hợp đồng lao động

Thủ tục giao kết hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình được hiểu là trình tự các bên chủ thể phải thực hiện khi giao kết hợp đồng lao động. Mục đích nhằm giúp các bên xác lập quan hệ lao động, vừa bảo đảm về mặt pháp lý, vừa bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm các bên.

Theo quy định hiện hành, khi giao kết hợp đồng lao động, các bên phải tiến hành theo trình tự sau đây:

– Cung cấp thông tin trước khi giao kết hợp đồng lao động:

+ Người sử dụng lao động phải cung cấp cho người lao động những thông tin cần thiết quy định trong khoản 1 Điều 16 BLLĐ năm 2019. Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải cung cấp các thông tin về điều kiện ăn, ở của người lao động, đặc điểm của các thành viên trong gia đình, sinh hoạt của hộ gia đình hoặc các hộ gia đình.

+  Người giúp việc gia đình phải cung cấp cho người sử dụng lao động những thông tin cần thiết theo quy định tại khoản 2 Điều 16 BLLĐ năm 2019. Ngoài ra, lao động giúp việc gia đình còn phải cung cấp thêm các thông tin về số, nơi cấp, ngày cấp chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú, hoàn cảnh gia đình, họ, tên, địa chỉ của người báo tin khi cần thiết.

– Thử việc:

+ Sau khi các bên đã nắm được các thông tin của nhau, nếu có thiện chí trong việc thiết lập quan hệ lao động, hai bên thỏa thuận thử việc. Mục đích là nhằm kiểm tra trình độ, khả năng thực hiện công việc của người lao động, có đáp ứng được yêu cầu của bên người sử dụng lao động hay không. Bởi khi quan hệ lao động đã thiết lập, lao động giúp việc gia đình phải thực hiện nhiều công việc khác nhau, phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày của các thành viên trong gia đình, bởi vậy, thử việc là thủ tục cần thiết trước khi quyết định giao kết hợp đồng lao động.

+ Tuy nhiên, do thời gian thử việc là thời gian người lao động chưa ký hợp đồng lao động chính thức, chưa có sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa hai bên. Cho nên, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, cũng như tránh trường hợp người sử dụng lao động lạm dụng mà yêu cầu người lao động thử việc lâu dài nên cũng như thử việc đối với các lao động khác, pháp luật quy định cụ thể thời gian thử việc, quyền và nghĩa vụ các bên trong thời gian người lao động thử việc.

+ Ở Việt Nam, pháp luật quy định thời gian thử việc tối đa là 6 ngày làm việc. Tiền lương của lao động giúp việc gia đình khi thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

– Ký kết hợp đồng lao động: Sau khi thử việc đạt yêu cầu, chủ thể có thẩm quyền ký vào bản hợp đồng lao động… Trường hợp người lao động không biết chữ hoặc người sử dụng lao động thuê mướn nhiều lao động giúp việc gia đình thì khi ký hợp đồng lao động, các bên phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.

– Thông báo với cơ quan có thẩm quyền: Khác với hợp đồng lao động thông thường, hợp đồng lao động đối với người giúp việc gia đình phải được thông báo đến cơ quan có thẩm quyền nơi người lao động làm việc về việc sử dụng lao động giúp việc gia đình.

Như vậy, so với lao động khác, thủ tục giao kết hợp đồng lao động đối với người giúp việc gia đình được pháp luật quy định khá cụ thể. Mục đích của các quy định này là nhằm bảo đảm để các bên thiết lập quan hệ lao động đúng luật, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các bên phù hợp với điều kiện cụ thể, tránh những bất đồng, tranh chấp xảy ra làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của các bên, ảnh hưởng đến trật tự xã hội chung.

Bài viết cùng chủ đề:

Điểm mới của bộ luật lao động về kỷ luật lao động

Quy định làm thêm giờ đối với người lao động

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về “Giao kết hợp đồng lao động đối với người giúp việc gia đình”. Quý khách hàng nếu có bất kỳ vướng mắc nào liên quan vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được tư vấn và hướng dẫn thủ tục.

Đánh giá bài viết này