- Chuyên mục: Tư vấn giấy phép
- Ngày đăng: 09/03/2021
- Tác giả: Ban biên tập
Bia là một mặt hàng phổ biến ở thị trường Việt Nam. Do đó, nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu kinh doanh bia. Nhưng bia, rượu đều là mặt hàng kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Chính vì thế, theo quy định của pháp luật hiện hành, kinh doanh bia cần những điều kiện và giấy tờ pháp lý gì để kinh doanh bia hợp pháp. Luật Thành Đô xin giới thiệu với Quý khách hàng bài viết “Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh bia” để tham khảo.
I. Căn cứ pháp lý
– Luật đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn;
– Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 và các văn bản hướng dẫn;
– Luật an toàn thực phẩm 2010 và các văn bản liên quan;
– Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế;
– Nghị định 19/VBHN-BCT quy định chi tiết luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;
– Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn luật an toàn thực phẩm;
– Các văn bản pháp lý có liên quan.
II. Kinh doanh bia trái phép bị xử lý như thế nào?
Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt về các hành vi kinh doanh bia trái pháp luật từ hoạt động bán, cung cấp bia, rượu đến các hoạt động liên quan đến kinh doanh như quảng cáo, khuyến mại….
Điều 31. Vi phạm các quy định về bán, cung cấp rượu, bia
1.Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi;
b) Không niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi tại vị trí dễ nhìn của cơ sở bán rượu, bia.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bán rượu, bia tại địa điểm không bán rượu, bia theo quy định của pháp luật;
b) Mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử không đáp ứng một trong các điều kiện theo quy định của pháp luật.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh rượu, bia có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Điều 32. Vi phạm các quy định về khuyến mại rượu, bia
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
1. Khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
2. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên.
3. Sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
4. Khuyến mại rượu, bia có độ cồn dưới 15 độ không tuân thủ các quy định của pháp luật về khuyến mại.
Điều 33. Vi phạm các quy định về quảng cáo rượu, bia
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc quảng cáo rượu, bia.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và quảng cáo bia sau đây:
a) Có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia; thông tin có nội dung, hình ảnh thể hiện rượu, bia có tác dụng tạo sự trưởng thành, thành đạt, thân thiện, hấp dẫn về giới tính; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;
b) Sử dụng vật dụng, hình ảnh, biểu tượng, âm nhạc, nhân vật trong phim, nhãn hiệu sản phẩm dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên; sử dụng hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi trong quảng cáo rượu, bia;
c) Quảng cáo trong các sự kiện, trên các phương tiện quảng cáo, sản phẩm dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;
d) Quảng cáo trên phương tiện giao thông;
đ) Quảng cáo trên báo nói, báo hình ngay trước, trong và ngay sau chương trình dành cho trẻ em; trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật;
e) Quảng cáo trên phương tiện quảng cáo ngoài trời vi phạm quy định về kích thước, khoảng cách đặt phương tiện quảng cáo tính từ khuôn viên của cơ sở giáo dục, cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi theo quy định của pháp luật;
g) Quảng cáo không có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của pháp luật;
h) Quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác mà không có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu, bia.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở lên sau đây:
a) Quảng cáo trong các chương trình, hoạt động văn hóa, sân khấu, điện ảnh, thể thao;
b) Quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời, trừ biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia.
Điều 35. Vi phạm các quy định về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác về hoạt động kinh doanh của cơ sở theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
b) Không nhắc nhở hoặc không có biển cảnh báo đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc mua, bán rượu, bia;
b) Thông tin về sản phẩm rượu, bia không bảo đảm chính xác, không có cơ sở khoa học.
Từ khi Luật phòng, chống tác hại rượu, bia ra đời, công tác phòng, chống rượu, bia được diễn ra quyết liệt. Chính vì thế, các cơ sở kinh doanh rượu, bia dưới các hình thức bán buôn, bán lẻ, phân phối cũng cần nắm được quy định của pháp luật để tránh bị phạt.
III. Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh bia
Theo Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2014) thì ngành sản xuất và kinh doanh bia không thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và cũng không thuộc mặt hàng cấm kinh doanh (phụ lục I, Nghị đinh 19/VBHN-BCT quy định chi tiết luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện).
Tuy nhiên cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh bia cần làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Điều 34 Luật an toàn thực phẩm quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) như sau:
“Điều 34. Đối tượng, điều kiện cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
1. Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật này;
b) Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.”
Theo quy định trên, cơ sở kinh doanh bia, rượu gồm 2 loại hình:
– Cơ sở sản xuất rượu, kinh doanh bia
– Cơ sở phân phối, bán buôn rượu, bán lẻ bia
+ Đối với loại hình thứ 1 thì cơ sở sản xuất, kinh doanh bia cần thực hiện 02 thủ tục: Thủ tục xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và thủ tục công bố bia sản xuất trong nước
+ Đối với loại hình thứ 2 thì cơ sở chỉ cần thực hiện thủ tục công bố sản phẩm bia nhập khẩu.
3.1. Thủ tục xin giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm
Bước 1: Doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nộp 01 bộ hồ sơ tới Cơ quan có thẩm quyền tùy thuộc vào công suất (Bộ công thương nếu công suất sản xuất bia từ 50 triệu lít sản phầm/năm trở lên hoặc Sở công thương đối với công suất dưới 50 triệu/lít sản phẩm/năm).
Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày Cơ quan quản lý nhà nước tiến hành thâm định cơ sở và cấp giấy chứng nhận ATVSTP.
3.2. Thủ tục công bố sản phẩm
Điều kiện: đáp ứng được các tiêu chuẩn của quy chuẩn QCVN 6-3:2010/BYT đối với sản phẩm mẫu mang đi xét nghiệm doanh nghiệp
Hồ sơ:
– Bản tự công bố theo mẫu 01 nghị định 15/2018/NĐ-CP
– Phiếu kiểm nghiệm của sản phẩm trong vòng 12 tháng của phòng thí nghiệm có ISO 17025
Trình tự:
Tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và nộp 01 (một) bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) chỉ định. Tùy địa phương mà cơ quan tiếp nhận bản công bố sẽ khác nhau, doanh nghiệp có thể liên hệ phía sở y tế địa phương để được hỗ trợ
Các bài viết liên quan:
Điều kiện xin cấp giấy phép bán lẻ rượu
Hồ sơ xin cấp đổi giấy phép bán lẻ rượu tiêu dùng tại chỗ
Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Thành Đô về thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh bia. Quý khách có nhu cầu xin liên hệ Số Hotline: 0919 089 888 để được giải đáp và tư vấn miễn phí!
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn