Doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học phải được cấp Giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, hay còn gọi là Giấy phép tư vấn du học. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Doanh nghiệp có thể bị mất, hư hỏng hoặc lý do khác dẫn đến không có Giấy phép này để hoạt động, trường hợp này Khách hàng muốn tiếp tục kinh doanh dịch vụ tư vấn du học phải thực hiện thủ tục xin cấp lại Giấy phép này.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật giáo dục năm 2019;

– Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ngày 24/07/2017;

– Nghị định 135/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ngày 04/10/2018;

– Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục;

– Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 07 năm 2014 của Chính Phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.

II. THỦ TỤC XIN CẤP LẠI GIẤY PHÉP TƯ VẤN DU HỌC

2.1. Hồ sơ xin cấp lại giấy phép tư vấn du học

Dịch vụ tư vấn du học là ngành nghề hoạt động cần có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi Doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh. Vì vậy, để đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra liên tục, khi bị mất hoặc hư hỏng trong quá trình sử dụng giấy phép, doanh nghiệp cần phải thực hiện xin cấp lại giấy phép ngay, nếu không sẽ không được phép tiếp tục hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Trường hợp Doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh dịch vụ này khi không có giấy phép, thì sẽ bị xử phạt theo quy định khoản 3, Điều 8, Nghị định 138/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Mặc dù hiện nay, pháp luật hiện hành không quy định rõ về trường hợp xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, tuy nhiên căn cứ vào quy định về điều kiện cấp Giấy phép này, có thể xác định Hồ sơ xin cấp lại giấy phép tư vấn du học bao gồm những giấy tờ sau:

(1) Văn bản đề nghị xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đã được cấp phép trước đó (có thể kèm theo giấy phép đã rách, hư hỏng, hoặc bản photo giấy phép đã được cấp trước đó (nếu có), lưu ý Giấy phép này còn thời hạn; Nêu rõ lý do bị mất hoặc hư hỏng Giấy phép, trường hợp bị mất thì phải có xác nhận của Cơ quan công an.

(2) Văn bản giải trình cụ thể về tình hình hoạt động dịch vụ tư vấn du học của Công ty và giải trình rõ các điều kiện hiện tại của Công ty vẫn phải đáp ứng các quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, cụ thể Điều 107 Nghị định 46/2017/NĐ-CP thì tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cần đáp ứng các điều kiện sau:

– Về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tư vấn du học được thành lập theo quy định của pháp luật (điều kiện này doanh nghiệp đã đáp ứng vì trước đó đã được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học );

– Về cơ sở vật chất: Doanh nghiệp phải có trụ sở, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học ( có thể là chủ sở hữu hợp pháp hoặc đi thuê, đi mượn);

– Về các điều kiện phục vụ hoạt động tư vấn: khu phòng tư vấn phải đảm bảo diện tích sử dụng; Khu hành chính, văn phòng đáp ứng điều kiện để đảm bảo đủ phòng và điều kiện làm việc cho cán bộ, nhân viên của Trung tâm; Trang thiết bị cần trang bị đầy đủ bàn, ghế, máy tính, máy văn phòng…… phù hợp với quy mô Trung tâm.

– Có phương án phòng cháy chữa cháy: Cụ thể doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, theo đó tùy vào quy mô của doanh nghiệp mà có phương án phòng cháy chữa cháy căn cứ theo quy định tại Luật Phòng cháy chữa cháy và Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 07 năm 2014 của Chính Phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy.

-Điều kiện về nhân sự: Đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học phải đáp ứng điều kiện: ó trình độ đại học trở lên; Có năng lực sử dụng ít nhất một ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2.2. Thủ tục thực hiện

Thủ tục xin cấp lại giấy phép tư vấn du học bao gồm các bước như sau:

Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ theo những đầu mục tại Mục 2.1 nêu trên, nộp 01 (một) bộ hồ sơ tại Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh/thành phố đặt trụ sở hoạt động tư vấn du học.

Bước 2: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả – Sở giáo dục và Đào tạo tiếp nhận hồ sơ xin thành lập trung tâm tư vấn du học, kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của các giấy tờ có trong hồ sơ;

Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở giáo dục và đào tạo cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; nếu chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức dịch vụ tư vấn du học và nêu rõ lý do để doanh nghiệp có căn cứ sửa đổi, bổ sung theo đúng quy định pháp luật hiện hành;

Bước 4: Tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học căn cứ vào ngày hẹn trên Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả đến nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Giáo dục và Đào tạo.

2.3. Lệ phí

không có

Trên đây là bài viết của Luật Thành Đô về các nội dung liên quan đến Thủ tục xin cấp lại Giấy phép tư vấn du học. Trong quá thực hiện thủ tục hành chính nêu trên nếu Quý khách hàng gặp phải bất kỳ khó khăn, vướng mắc nào xin vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật Thành Đô để được hỗ trợ giải đáp và tư vấn cụ thể.

5/5 - (1 bình chọn)