Thuế là nguồn thu quan trọng mà mỗi quốc gia đều có thể khai thác, động viên để tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Nhà nước dùng thuế làm công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế và đời sống xã hội, điều hòa thu nhập, điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý và định hướng phát triển kinh tế, đảm bảo sự bình đẳng giữa chủ thể kinh doanh và công bằng xã hội.

Một trong những loại thuế được coi là nguồn thu chiếm tỷ trọng tương đối cao trong tổng nguồn thu từ thuế chính là thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN) – loại thuế đã được áp dụng ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vậy, thuế thu nhập cá nhân đối với người nước ngoài có gì khác công dân trong nước? Luật Thành Đô xin gửi tới quý khách hàng bài viết dưới đây để làm rõ hơn về vấn đề này.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi bổ sung)

– Thông tư 113/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 08 năm 2013 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

– Thông tư 205/2013/TT-BTC ngày 24 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.

Tính thuế thu nhập cá nhân đối với người nước ngoài ở Việt Nam
Tính thuế thu nhập cá nhân đối với người nước ngoài ở Việt Nam

II. KHÁI QUÁT VỀ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

2.1. Khái niệm thuế thu nhập cá nhân

Theo quy định của Luật Thuế Thu nhập cá nhân năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thuế TNCN được hiểu là loại thuế trực thu, thu vào một số khoản thu nhập cao chính đáng của cá nhân nhằm thực hiện việc điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, góp phần thực hiện công bằng xã hội về thu nhập và góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Thuế TNCN không đánh vào những cá nhân có thu nhập thấp, vừa đủ nuôi sống bản thân và gia đình ở mức cần thiết. Do đó, việc nộp thuế TNCN cũng góp phần làm giảm hợp lý khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp dân cư.

Bài viết cùng chủ đề:

Người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam cần giấy tờ gì?

Người nước ngoài thành lập doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam như thế nào?

2.2. Đặc điểm thuế thu nhập cá nhân

Thứ nhất, thuế TNCN là thuế trực thu. Thuế trực thu là loại thuế mà chủ thể chịu thuế đồng thời là chủ thể gánh chịu thuế. Cá nhân có thu nhập chịu thuế là người nộp thuế, việc nộp thuế được tiến hành từ việc khấu trừ trực tiếp từ thu nhập của cá nhân đó mà không thông qua hành vi tiêu dùng hoặc của chủ thể trung gian khác.

Thứ hai, đối tượng chịu thuế của thuế TNCN là thu nhập của cá nhân. Khái niệm “thu nhập” hiện nay chưa được định nghĩa một cách chính thức và còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Thông thường, các nhà nghiên cứu kinh tế, pháp lý không đưa định nghĩa tổng quát mà họ chỉ liệt kê những khoản được gọi là thu nhập của cá nhân. Một số khoản thu nhập cá nhân có thể là thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiền lương, tiền thừa kế…

Thứ ba, thuế TNCN là một loại thuế phức tạp có tính ổn định không cao, việc quản lý thuế, thu thuế tương đối khó khăn, chi phí quản lý thuế thường lớn hơn so với các loại thuế khác.

Thứ tư, thuế TNCN có diện đánh thuế rất rộng, đánh thuế với tất cả cá nhân có thu nhập chịu thuế. Chính vì thế, khả năng tạo nguồn thu cho ngân sách của thuế TNCN rất cao.

Thứ năm, việc đánh thuế TNCN thường áp dụng theo nguyên tắc thuế suất lũy tiến từng phần. Đặc điểm này xuất phát từ vai trò chủ yếu của thuế TNCN là điều tiết mạnh người với thu nhập cao, góp phần thực hiện công bằng xã hội.

III. THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐỐI VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM

3.1. Xác định người nước ngoài là cá nhân cư trú hay cá nhân không cư trú

Theo Luật Thuế Thu nhập cá nhân năm 2007 và Thông tư 113/2013/TT-BTC, cá nhân cư trú là người đáp ứng những điều kiện sau:

Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày, căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam. Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.

 – Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:

+ Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú. Nơi ở thường xuyên này là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.

+ Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế.

Người nước ngoài là cá nhân không cư trú là là những đối tượng không thuộc các trường hợp trên.

3.2. Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với người nước ngoài là cá nhân cư trú

Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế:

Thu nhập chịu thuế của cá nhân cư trú là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập. Trường hợp người nước ngoài là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam thì nghĩa vụ thuế TNCN của họ được tính từ tháng họ đến Việt Nam trong trường hợp lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng) không phải thực hiện các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu thuế trùng hai lần theo Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai quốc gia.

Như vậy, trường hợp này, thu nhập chịu thuế của người nước ngoài được xác định là thu nhập phát sinh tại Việt Nam và ở nước ngoài.

Trường hợp người nước ngoài ký Hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên:

Công thức tính thuế: Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế TNCN x Thuế suất

Trong đó:

i) Thu nhập tính thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế TNCN – Các khoản giảm trừ

ii) Thu nhập chịu thuế TNCN = Tổng thu nhập – Các khoản thu nhập được miễn thuế TNCN

iii) Các khoản giảm trừ bao gồm: Các khoản giảm trừ gia cảnh; Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện; Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học…

iv) Thuế suất thuế TNCN:

Bậc thuế Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) Thuế suất (%)
1 Đến 60 Đến 5 5
2 Trên 60 đến 120 Trên 5 đến 10 10
3 Trên 120 đến 216 Trên 10 đến 18 15
4 Trên 216 đến 384 Trên 18 đến 32 20
5 Trên 384 đến 624 Trên 32 đến 52 25
6 Trên 624 đến 960 Trên 52 đến 80 30
7 Trên 960 Trên 80 35

Trường hợp người nước ngoài không ký Hợp đồng lao động hoặc ký Hợp đồng lao động dưới 3 tháng:

Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, các tổ chức, cá nhân ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

Như vậy, thuế TNCN trong trường hợp này sẽ được tính theo công thức sau:

Thuế TNCN bị khấu trừ = Thu nhập tính thuế TNCN x Thuế suất 10%

3.3. Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với người nước ngoài là cá nhân không cư trú

Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế:

Trong trường hợp này, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.

Cách tính thuế TNCN:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 18, Thông tư 111/2013/TT-BTC, thuế TNCN của người nước ngoài không cư trú sẽ được tính như sau:

Số tiền phải nộp = Thu nhập chịu thuế x 20%

Trong đó:

(i) Thu nhập chịu thuế được xác định như đối với thu nhập chịu thuế TNCN của cá nhân cư trú.

(ii) Đối với trường hợp cá nhân không cư trú làm việc đồng thời ở Việt Nam và nước ngoài nhưng không tách riêng được phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam thì tính theo công thức sau:

– Đối với trường hợp cá nhân người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam = Số ngày làm việc cho công việc tại Việt Nam x Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế) + Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam
Tổng số ngày làm việc trong năm

– Đối với các trường hợp cá nhân người nước ngoài hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam = Số ngày có mặt ở Việt Nam x Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế) + Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam
365 ngày

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Thành Đô về chủ đề: “Thuế thu nhập cá nhân đối với người nước ngoài ở Việt Nam”. Quý khách có thắc mắc cần được giải đáp vui lòng liên hệ luật sư qua Hotline: 0919 089 888 để được tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết này