Trở thành doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường là mục tiêu hướng tới của rất nhiều doanh nghiệp, Tiêu chí doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường cũng là chủ đề được nhiều người quan tâm . Tuy nhiên, làm thế nào để xác định được một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Luật Thành Đô sẽ phân tích các tiêu chí của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường trong bài viết này.

I. Cơ sở pháp lý

Luật cạnh tranh 2018

Nghị định số 35/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24 tháng 3 năm 2020 Hướng dẫn luật Cạnh tranh 2018

II. Khái niệm vị trí thống lĩnh thị trường

Pháp luật Việt Nam không có khái niệm cụ thể về “vị trí thống lĩnh thị trường”. Thay vào đó, luật chỉ đưa ra những điều kiện để một doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường. Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 luật Cạnh tranh 2018, doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.

Từ đó, có thể hiểu vị trí thống lĩnh thị trường là vị trí trên thị trường liên quan của doanh nghiệp hay một nhóm doanh nghiệp mà ở vị trí đó, doanh nghiệp hoặc một nhóm các doanh nghiệp có khả năng độc lập quyết định các điều kiện giao dịch trên thị trường với các đối thủ cạnh tranh.

Phân tích tiêu chí doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường (ảnh minh họa)
Phân tích tiêu chí doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường (ảnh minh họa)

III. Những tiêu chí của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường

3.1. Tiêu chí về sức mạnh thị trường đáng kể

Một trong những tiêu chí đầu tiên được xem xét của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường là sức mạnh thị trường. Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể thì được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường. Sức mạnh thị trường đáng kể được xác định dựa trên các yếu tố được quy định tại Điều 26 Luật Cạnh tranh 2018 và khoản 1 Điều 12 Nghị định 35/2020/NĐ-CP. Cụ thể bao gồm các yếu tố:

– Sự tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan khi so sánh thị phần giữa các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp trên thị trường liên quan

– Sức mạnh tài chính và quy mô của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, căn cứ vào năng lực tài chính, khả năng tiếp cận nguồn vốn, tín dụng và các nguồn tài chính khác, tổng nguồn vốn, tổng tài sản, số lao động, quy mô sản xuất, mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đó trong tương quan với các doanh nghiệp khác là đối thủ cạnh tranh

– Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác, dựa trên những yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định của doanh nghiệp khi gia nhập, mở rộng thị trường

– Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ, dựa trên ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp khi so sánh với đối thủ cạnh tranh nhờ việc nắm giữ, kiểm soát mạng lưới phân phối, tiêu thụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên thị trường;

– Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được đánh giá căn cứ vào ưu thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật đang sở hữu, sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh;

– Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh căn cứ vào mức độ thiết yếu, khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;

– Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nhằm xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh căn cứ vào mức độ thiết yếu, khả năng tiếp cận đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;

– Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu hàng hóa, dịch vụ liên quan khác, xác định dựa trên chi phí và thời gian cần thiết để khách hàng, doanh nghiệp chuyển sang mua, bán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác trên cùng thị trường liên quan;

– Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh trong điều kiện cụ thể của ngành, lĩnh vực đó.

Như vậy để xác định một doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể cần dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau. Ngoài ra, mọi sự so sánh với doanh nghiệp cạnh tranh không có một thước đo cụ thể mà từ những quy định chung nhất của luật để đưa ra. Do đó xác định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường dựa trên sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp không khả quan so với xác định dựa trên tiêu chí về thị trường liên quan.

3.2. Tiêu chí về thị trường liên quan

Tiêu chí để xác định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường bên cạnh việc có sức mạnh thị trường đáng kể, có thể xác định thông qua tiêu chí về thị trường liên quan. Doanh nghiệp có từ 30% trở lên thị phần trong thị trường liên quan thì được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường.

Thị trường liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả trong khu vực địa lý cụ thể có các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận. Thị trường liên quan được xác định qua 02 khía cạnh là thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan.

Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường có thể thay thế lẫn nhau các đặc tính, giá cả, mục đích sử dụng của hàng hóa, dịch vụ. Coca Cola và Pepsi có thể coi là có cùng thị trường sản phẩm liên quan. Đây đều là 2 thương hiệu có tương tự nhau về đặc tính, giá cả và mục đích sử dụng. Cả hai hãng đều là đồ uống có ga và mục đích sử dụng chủ yếu là dùng để giải khát. Giá cả và phân khúc thị trường của cả hai thương hiệu đồ uống này cũng tương tự nhau.

Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý mà trong các điều kiện cạnh tranh tương tự có thể thay thế các loại hàng hóa, dịch vụ lẫn nhau và có sự khác biệt với các khu vực địa lý lân cận. Những cửa hàng tiện lợi như Circle K, 7Eleven,… được coi là có thị trường địa lý liên quan vì phạm vi hoạt động chủ yếu của các cửa hàng tiện lợi này phân phối chủ yếu tại các thành phố lớn ở nước ta. Vì vậy gia tăng khả năng cạnh tranh giữa các cửa hàng với nhau.

Tiếp đó, thị phần của doanh nghiệp tại thị trường liên quan theo Điều 10 Luật Cạnh tranh 2018 được xác định theo một trong các phương pháp:

a) Tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu bán ra của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm;

b) Tỷ lệ phần trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng doanh số mua vào của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm;

c) Tỷ lệ phần trăm giữa số đơn vị hàng hóa, dịch vụ bán ra của doanh nghiệp này với tổng số đơn vị hàng hóa, dịch vụ bán ra của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm;

d) Tỷ lệ phần trăm giữa số đơn vị hàng hóa, dịch vụ mua vào của doanh nghiệp này với tổng số đơn vị hàng hóa, dịch vụ mua vào của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm.

Từ các phương pháp trên, có thể tính được thị phần của doanh nghiệp trong thị trường liên quan. Nếu phần trăm thị phần đạt từ 30% trở lên thì xác định doanh nghiệp đó có vị trí thống lĩnh thị trường.

Bài viết cùng chủ đề:

Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường là gì?

Doanh nghiệp liên doanh là gì?

Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp

Trang chủ: Luật Thành Đô

Trên đây là những phân tích của Luật Thành Đô về vấn đề các tiêu chí của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Hy vọng bài viết đã đem lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Mọi vướng mắc pháp lý cần tư vấn xin vui lòng liên hệ với luật sư của Công ty Luật Thành Đô để được giải đáp miễn phí.

5/5 - (1 bình chọn)