Để trở thành nhân viên trực tiếp tư vấn du học, đòi hỏi phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về trình độ học vấn, ngoại ngữ,…và đặc biệt là phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định của pháp luật. Vậy hồ sơ cấp chứng chỉ cần chuẩn bị những gì và thủ tục cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học được quy định như thế nào?

Để trả lời cho những thắc mắc liên quan đến vấn đề này, Luật Thành Đô trân trọng gửi tới Quý độc giả bài viết: Hồ sơ, thủ tục cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Giáo dục số 43/2019/QH14;

– Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

– Nghị định số 135/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

– Thông tư 23/2013/TT-BGDĐT quy định về tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học;

– Thông tư 29/2013/TT-BGDĐT ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học;

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Hồ sơ xin cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học
Hồ sơ xin cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học

II. HỒ SƠ, THỦ TỤC CẤP CHỨNG CHỈ BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ TƯ VẤN DU HỌC

2.1. Hồ sơ xin cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học

Để được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn, thì các học viên phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đăng ký tham gia khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học, bao gồm các loại giấy tờ sau:

– Đơn đăng ký tham gia khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ vụ tư vấn du học;

– 02 ảnh chụp 3×4; 02 ảnh chụp 4×6;

– Bản sao có chứng thực Chứng minh nhân dân/ Thẻ căn cước công dân/ Hộ chiếu;

– Bản sao có chứng thực Bằng tốt nghiệp đại học;

Lưu ý: Người nước ngoài tham gia khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học phải có Giấy chứng nhận trình độ tiếng Việt cho người nước ngoài.

2.2. Thủ tục cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học

Người được tham gia khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học bao gồm các thành phần sau:

– Người Việt Nam hoặc người nước ngoài thực hiện hoạt động dịch vụ tư vấn du học;

– Đối tượng có nhu cầu bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ tổ chức và thực hiện hoạt động dịch vụ tư vấn du học.

Để tham gia khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học, người tham gia cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký học khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học

Người tham gia chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đầy đủ như trên và nộp tại các cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học (ví dụ: Đại học Văn Lang,…)

Bước 2: Tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học

Nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học bao gồm các chuyên đề sau:

* Tổng quan chính sách và pháp luật về giáo dục

Nội dung chính bao gồm:

a) Quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật hiện hành của Nhà nước về giáo dục; về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và hội nhập quốc tế về giáo dục:

– Nội dung cơ bản các Nghị quyết của Đảng về giáo dục; hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; hội nhập quốc tế về giáo dục;

– Nội dung cơ bản các Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, Luật Giáo dục Đại học hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành;

– Nội dung cơ bản các Chiến lược, Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam, phát triển nhân lực ngành giáo dục, phát triển giáo dục và dạy nghề Việt Nam các thời kỳ;

– Nội dung cơ bản các Nghị định hiện hành của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; các Đề án đào tạo ở nước ngoài và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

b) Pháp luật hiện hành về hoạt động dịch vụ tư vấn du học:

– Nội dung cơ bản Quyết định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ về công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập và các văn bản hướng dẫn thực hiện;

– Quy định về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam;

– Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác.

c) Hội thảo 1: Học viên và giảng viên, giáo viên, báo cáo viên, khách mời, chuyên gia thảo luận để nắm vững các kiến thức đã tiếp thu trên lớp.

* Hệ thống giáo dục Việt Nam và một số nước trên thế giới

a) Tổng quan về hệ thống giáo dục Việt Nam:

– Mục tiêu giáo dục;

– Hệ thống giáo dục quốc dân;

– Danh sách các cơ sở giáo dục;

– Tình hình lưu học sinh Việt Nam và xu hướng.

b) Hệ thống giáo dục một số nước trên thế giới:

– Hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, Ca-na-đa;

– Hệ thống giáo dục Anh, Úc, Niu Di-lân;

– Hệ thống giáo dục Pháp, Đức, Nga;

– Hệ thống giáo dục Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Xing-ga-po;

– Hệ thống giáo dục một số nước khác.

c) Hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục và xếp hạng cơ sở giáo dục nước ngoài:

– Hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục một số nước;

– Hệ thống xếp hạng cơ sở giáo dục uy tín trên thế giới.

d) Một số vấn đề về công nhận văn bằng của Việt Nam và nước ngoài:

– Tổng quan vấn đề công nhận văn bằng;

– Các Hiệp định, Thỏa thuận công nhận tương đương văn bằng giữa Việt Nam và các nước;

– Trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

đ) Hội thảo 2: Học viên và giảng viên, giáo viên, báo cáo viên, khách mời, chuyên gia thảo luận để nắm vững các kiến thức đã tiếp thu trên lớp.

* Nghiệp vụ tư vấn du học

a) Kỹ năng tư vấn du học:

– Kỹ năng phân tích, nghiên cứu nhu cầu của khách hàng;

– Kỹ năng phỏng vấn, tư vấn, cung cấp thông tin, định hướng và thuyết phục khách hàng;

– Kỹ năng tra cứu thông tin trường, chương trình học, xin thư mời nhập học;

– Kỹ năng đánh giá hồ sơ và lập dự kiến kế hoạch du học;

– Kỹ năng chuẩn bị hồ sơ xin học bổng, miễn giảm học phí;

– Kỹ năng soạn thảo hợp đồng dịch vụ du học.

b) Trách nhiệm nghề nghiệp trong quá trình thực hiện hoạt động dịch vụ tư vấn du học:

– Những tình huống thường gặp;

– Trách nhiệm và nghĩa vụ của người thực hiện tư vấn du học;

– Đạo đức nghề nghiệp.

c) Quản lý và hỗ trợ lưu học sinh:

– Những vấn đề thường gặp trong quản lý và hỗ trợ lưu học sinh;

– Kỹ năng quản lý hồ sơ lưu học sinh;

– Kỹ năng hỗ trợ quá trình học tập của lưu học sinh;

– Kỹ năng phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện ngoại giao quản lý và hỗ trợ lưu học sinh;

– Kỹ năng thống kê và báo cáo.

d) Hội thảo 3: Học viên và giảng viên, báo cáo viên, khách mời, chuyên gia thảo luận để nắm vững các kỹ năng đã tiếp thu trên lớp.

* Các chuyên đề tự chọn

a) Tổ chức sự kiện giáo dục quốc tế:

– Kỹ năng xúc tiến hoạt động giáo dục quốc tế;

– Kỹ năng tổ chức sự kiện, hội thảo;

– Kỹ năng chuẩn bị hợp đồng;

– Kỹ năng quản lý tài chính.

b) Phát triển giáo dục quốc tế:

– Kỹ năng soạn văn bản, thư điện tử, thỏa thuận hợp tác;

– Kỹ năng thương lượng, đàm phán ký kết thỏa thuận với cơ sở giáo dục;

– Kỹ năng phát triển mạng lưới đối tác.

c) Hồ sơ tài chính và thị thực du học:

– Kỹ năng chuẩn bị hồ sơ tài chính, chứng minh tài chính;

– Kỹ năng chuẩn bị hồ sơ xin cấp thị thực du học.

d) Giải quyết tranh chấp:

– Các tranh chấp phát sinh trong hoạt động dịch vụ tư vấn du học;

– Kỹ năng hòa giải tranh chấp và giải quyết khiếu nại.

Bước 3: Kiểm tra và thi

Kết thúc mỗi chuyên đề của chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học sẽ có một bài kiểm tra trong thời gian tối thiểu 60 phút. Kết thúc khóa học bồi dưỡng sẽ có một bài thi trong thời gian tối thiểu 90 phút. Học viên đảm bảo tham gia tối thiểu 80% thời gian học trên lớp quy định cho mỗi chuyên đề thì được tham dự kiểm tra chuyên đề đó. Học viên có tất cả bài kiểm tra kết thúc chuyên đề đạt từ 5 điểm trở lên thì được tham dự kỳ thi kết thúc khóa học bồi dưỡng.

Bước 4: Cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học

Điểm kiểm tra kết thúc chuyên đề và điểm thi kết thúc khóa học bồi dưỡng được chấm theo thang điểm 10. Những học viên có điểm của tất cả các bài kiểm tra kết thúc chuyên đề và có điểm thi kết thúc khóa học bồi dưỡng đạt từ 5 điểm trở lên thì được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học.

Các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học cấp chứng chỉ cho học viên.

Lưu ý: Học viên được phép kiểm tra và thi lại 02 lần nếu bài kiểm tra kết thúc chuyên đề hoặc thi cuối khóa học bồi dưỡng không đạt yêu cầu.

Đánh giá bài viết này