- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 04/03/2023
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Khác với doanh nghiệp 100% vốn trong nước, các thủ tục đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tương đối phức tạp, đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện cũng như thủ tục và hồ sơ theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong phạm vi bài viết này, Luật Thành Đô sẽ hướng dẫn cho các doanh nghiệp thủ tục bổ sung ngành nghề doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Đầu tư 2020;
– Luật doanh nghiệp 2020;
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký kinh doanh;
– Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. ĐIỀU KIỆN ĐỂ BỔ SUNG NGÀNH NGHỀ DOANH NGHIỆP CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI
Ngoài các lưu ý chung về ngành, nghề đầu tư kinh doanh (như không bổ sung ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh…), việc bổ sung ngành nghề doanh nghiệp có vốn nước ngoài cần lưu ý những điều kiện sau:
2.1. Không bổ sung ngành, nghề kinh doanh chưa được tiếp cận thị trường
Theo pháp luật hiện hành, ngành, nghề kinh doanh chưa được tiếp cận thị trường được quy định tại Mục A Phụ lục I của Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Danh sách này bao gồm 25 ngành, nghề, ví dụ: Kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại; Hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức;
Đánh bắt hoặc khai thác hải sản; Dịch vụ điều tra và an ninh; Các dịch vụ hành chính tư pháp, bao gồm dịch vụ giám định tư pháp, dịch vụ thừa phát lại, dịch vụ đấu giá tài sản, dịch vụ công chứng, dịch vụ của quản tài viên…
Nhà đầu tư nước ngoài hiện không được phép đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề này. Do đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (nhà đầu tư nước ngoài góp vốn thành lập để đầu tư kinh doanh) cũng không được bổ sung những ngành nghề kinh doanh trong danh mục nói trên.
2.2. Cần tuân thủ các điều kiện về tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện
Các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Mục B Phụ lục I của Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài kể cả việc đầu tư thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường đối với ngành nghề tương ứng.
Doanh nghiệp cũng cần lưu ý, trường hợp bổ sung ngành, nghề kinh doanh có điều kiện doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh tương ứng với ngành, nghề đó thì mới được chính thức hoạt động kinh doanh.
III. THỦ TỤC BỔ SUNG NGÀNH NGHỀ DOANH NGHIỆP CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI
3.1. Thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
– Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư
Điểm a, khoản 3 Điều 41 Luật Đầu tư 2020 quy định:
“3. Nhà đầu tư có dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;…”
Do đó, theo khoản 2 Điều 43 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Căn cứ Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có).
– Đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư:
Trường hợp dự án đàu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư tiến hành thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Hồ sơ điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
(1) Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
(2) Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh;
(3) Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư;
(4) Giải trình hoặc cung cấp tài liệu liên quan đến việc điều chỉnh những nội dung của đề xuất dự án đầu tư;
(5) Văn bản ủy quyền cho cá nhân/ tổ chức khác thực hiện thủ tục (nếu có);
(6) Bản sao CMND/CCCD/Hộ chiếu của người được ủy quyền thực hiện thủ tục (nếu có).
3.2. Thủ tục thông báo bổ sung ngành, nghề kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh daonh
Trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bổ sung ngành, nghề kinh doanh, sau khi thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục thông báo bổ sung ngành, nghề kinh doanh tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Hồ sơ thông báo bổ sung ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp có vốn nước ngoài bao gồm:
(1) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
(2) Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc thay đổi ngành, nghề kinh doanh;
(3) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
(4) Văn bản ủy quyền cho cá nhân/ tổ chức khác thực hiện thủ tục tại cơ quan đăng ký kinh doanh (nếu có)
(5) Bản sao CMND/CCCD/Hộ chiếu của người được ủy quyền thực hiện thủ tục (nếu có).
Bài viết cùng chủ đề:
Điều kiện về ngành nghề đầu tư tại Việt Nam
Trên đây là bài viết của Luật Thành Đô về việc bổ sung ngành nghề doanh nghiệp có vốn nước ngoài, quý khách hàng vui lòng tham khảo bài viết, nếu có bất kỳ vướng mắc nào vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được tư vấn và hướng dẫn thủ tục.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn