- Chuyên mục: Tư vấn luật hành chính, Tư vấn luật hôn nhân
- Ngày đăng: 26/11/2020
- Tác giả: Ban biên tập
Theo phong tục Việt Nam, sau khi kết hôn, người con dâu thường chuyển về nhà chồng hoặc nhà riêng của chồng để sinh sống nhằm mục đích thuận tiện cho việc đăng ký khai sinh cho con và làm các giấy tờ tùy thân khác cho gia đình. Vậy pháp luật quy định cụ thể về thủ tục nhập khẩu về nhà chồng sau khi kết hôn như thế nào? Luật Thành Đô xin tư vấn thông qua bài viết sau đây.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ VỀ CHUYỂN HỘ KHẨU VỀ NHÀ CHỒNG KHI KẾT HÔN
– Luật Cư trú số 81/2006/QH11
– Luật số 36/2013/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật cư trú
– Nghị định 31/2014/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành Luật Cư trú
– Thông tư 35/2014/TT-BCA Quy định chi tiết thi hành Luật Cư trú
– Các văn bản liên quan khác.

II. THỦ TỤC CHUYỂN HỘ KHẨU VỀ NHÀ CHỒNG KHI KẾT HÔN
Để có thể nhập hộ khẩu về nhà chồng thì người vợ phải làm thủ tục chuyển hộ khẩu tại nơi đang cư trú và thủ tục nhập khẩu về nhà chồng. Cụ thể như sau:
2.1. Thủ tục chuyển hộ khẩu
* Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu
Theo Khoản 1 Điều 8 Thông tư 35/2014/TT-BCA Quy định chi tiết thi hành Luật cư trú thì thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu bao gồm:
– Trưởng Công an xã, thị trấn có thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu cho các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh;
– Trưởng Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chuyển hộ khẩu cho các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
* Hồ sơ đề nghị cấp giấy chuyển hộ khẩu
Hồ sơ bao gồm:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
– Sổ hộ khẩu (hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể đã được cấp trước đây).
* Thời gian thực hiện cấp giấy chuyển khẩu
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan Công an phải cấp giấy chuyển hộ khẩu cho công dân.
* Các trường hợp không cấp giấy chuyển hộ khẩu
Theo quy định tại Luật cư trú 2006 và Thông tư 35/2014/TT-BCA thì những trường hợp sau đây không được cấp giấy chuyển hộ khẩu:
– Chuyển đi trong phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi trong cùng một huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; chuyển đi trong cùng một thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
– Học sinh, sinh viên, học viên học tại nhà trường và cơ sở giáo dục khác;
– Đi làm nghĩa vụ quân sự, phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân;
– Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại hoặc nhà ở tập thể;
– Chấp hành hình phạt tù; chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, quản chế
– Các trường hợp tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú bao gồm: người đang bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế;
Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành (trừ trường hợp đã được cơ quan áp dụng các biện pháp hạn chế quyền tự do cư trú đồng ý cho thay đổi nơi cư trú bằng văn bản).
* Thủ tục cấp giấy chuyển hộ khẩu
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định
– Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thành phần hồ sơ hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn người nộp. Trong trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
– Bước 3: Nhận giấy chuyển hộ khẩu tại nơi nộp hồ sơ. Người nhận kết quả đưa giấy biên nhận, cán bộ trả kết quả và viết phiếu bầu nộp lệ phí (trừ trường hợp được miễn). Mức nộp lệ phí theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Người nhận đem phiếu nộp lệ phí đến nộp tiền cho cán bộ thu lệ phí và nhận biên lai thu tiền. Cán bộ trả kết quả kiểm tra biên lai nộp lệ phí và yêu cầu kí nhận, trả giấy chuyển hộ khẩu và hồ sơ cho người nhận kết quả.
2.2. Thủ tục chuyển hộ khẩu về nhà chồng
* Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Sau khi tiến hành xong thủ tục chuyển khẩu, người vợ cần nộp hồ sơ nhập khẩu tại cơ quan có thẩm quyền nơi cư trú của người chồng, cụ thể theo khoản 9 Thông tư 35/2014/TT-BCA như sau:
– Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền đăng ký thường trú tại quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
– Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh có thẩm quyền đăng ký thường trú tại các xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh. Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền đăng ký thường trú tại thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
* Hồ sơ đăng ký thường trú
Hồ sơ bao gồm:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;bản khai nhân khẩu
– Giấy chuyển hộ khẩu (theo mẫu)
– Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp
– Trường hợp chuyển hộ khẩu thường trú vào nhà chồng thì phải có thêm giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác chứng minh mối quan hệ vợ chồng
– Sổ hộ khẩu gia đình nhà chồng.
* Nơi nộp hồ sơ
– Đối với thành phố trực thuộc trung ương: nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã
– Đối với tỉnh: nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh
* Nhận kết quả
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải hoàn thành việc nhập khẩu này; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
* Thủ tục đăng ký thường trú
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định
– Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thành phần hồ sơ hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người đến nộp hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
– Bước 3: Trả kết quả.
+ Trường hợp giải quyết đăng ký thường trú: nộp lệ phí và nhận hồ sơ; kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu, đối thiếu thông tin trong sổ hộ khẩu, giấy tờ khác và ký nhận vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu
+ Trường hợp không giải quyết đăng ký thường trú: nhận lại hồ sơ đã nộp, nhận văn bản về việc không giải quyết đăng ký cư trú và ký nhận vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu.

Bài viết tham khảo: Thủ tục cấp lại sổ hộ khẩu theo quy định mới
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về thủ tục chuyển khẩu về nhà chồng khi kết hôn. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919.089.888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn