Kiểu dáng công nghiệp có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Để khai thác được tối đa lợi ích từ kiểu dáng công nghiệp đem lại bên cạnh các hoạt động như marketing, đăng kí độc quyền,… chủ sở hữu còn tiến hành các hoạt động thương mại hoá bằng cách chuyển nhượng văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, công ty Luật Thành Đô gửi tới quý bạn đọc bài viết: “Thủ tục chuyển nhượng văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp”.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009;

– Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành nghị định số 103/2006/NĐ-CP của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo thông tư số 13/2010/TT-BKHCN, thông tư số 18/2011/TT-BKHCN và thông tư số 05/2013/TT-BKHCN.

Thủ tục chuyển nhượng văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Thủ tục chuyển nhượng văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

II. ĐIỀU KIỆN CHUYỂN NHƯỢNG VĂN BẰNG BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Chuyển nhượng văn bằng Kiểu dáng công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đó chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Việc chuyển nhượng kiểu dáng công nghiệp do các bên thỏa thuận thực hiện nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật:

+ Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.

+ Chuyển nhượng văn bằng bảo hộ kiểu dáng công ngiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng văn bản. Hợp đồng này chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký với cơ quan nhà nước về Sở hữu công nghiệp là Cục Sở hữu trí tuệ.

III. THỦ TỤC CHUYỂN NHƯỢNG VĂN BẰNG BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

3.1. Tài liệu cần chuẩn bị

– Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp;

– Bản gốc hợp đồng chuyển nhượng có xác nhận của các bên. Nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra Tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;

– Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục cho cá nhân hoặc giấy ủy quyền thực hiện thủ tục cho tổ chức (nếu có);

– Bản gốc văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp định chuyển nhượng;

– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu chung;

– Chứng từ nộp phí, lệ phí.

*Lưu ý: Đối với đơn đăng kí kiểu dáng công nghiệp

Trước khi tiến hành hoạt động chuyển nhượng văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, bên nhận chuyển nhượng xem xét kĩ nội dung các nội dung trong đơn đăng kí kiểu dáng công nghiệp:

– Tài liệu xác định kiểu dáng công nghiệp cần bảo hộ trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm bản mô tả kiểu dáng công nghiệp và bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp. Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp gồm phần mô tả kiểu dáng công nghiệp và phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

– Phần mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện:

+ Bộc lộ đầy đủ tất cả các đặc điểm tạo dáng thể hiện bản chất của kiểu dáng công nghiệp và nêu rõ các đặc điểm tạo dáng mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp ít khác biệt nhất đã biết, phù hợp với bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ. Bộ ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp.

+ Trường hợp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm nhiều phương án thì phần mô tả phải thể hiện đầy đủ các phương án và chỉ rõ các đặc điểm khác biệt giữa phương án cơ bản với các phương án còn lại;

+ Trường hợp kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn đăng ký là kiểu dáng của bộ sản phẩm thì phần mô tả phải thể hiện đầy đủ kiểu dáng của từng sản phẩm trong bộ sản phẩm đó.

– Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp phải nêu rõ các đặc điểm tạo dáng cần được bảo hộ, bao gồm các đặc điểm mới, khác biệt với các kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết.

3.2. Thủ tục tiến hành chuyển nhượng văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Bên chuyển nhượng văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp chuẩn bị các tài liệu cần thiết theo quy định pháp luật được đề cập tại Mục 3.1 bài viết.

Bước 2. Nộp hồ sơ

Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp hoặc người được uỷ quyền nộp 01 bộ hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ

Bước 3: Thẩm định hồ sơ và nhận kết quả

Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nộp đơn:

+ Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo dự định từ chối đăng ký hợp đồng, trong đó nêu rõ các thiếu sót của hồ sơ, ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký thông báo để người yêu cầu sửa chữa các thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối về dự định từ chối đăng ký hợp đồng.

Nếu người yêu cầu không sửa chữa hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng về dự định từ chối đăng ký hợp đồng trong thời hạn đã được ấn định trên thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối đăng ký hợp đồng.

+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển nhượng văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho cá nhân, tổ chức. Sau đó tiến hành ghi nhận văn bằng bảo hộ cho chủ sở hữu mới, ghi nhận việc chuyển nhượng văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và đăng Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định.

5 ly do nen du dung dich vu phap ly cua luat thanh do scaled
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết liên quan:

Nhãn hiệu là gì? Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu

Thủ tục đăng kí bản quyền mỹ thuật ứng dụng

Trên đây là một số tư vấn của công ty liên quan đến “Thủ tục chuyển nhượng văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp”. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm đặc biệt trong lĩnh vực tư vấn về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. Khi đến với Luật Thành Đô Quý khách sẽ được tư vấn và giải đáp mọi vướng mắc liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Đánh giá bài viết này