Chuyển giao công nghệ là một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế trên toàn cầu, đặc biệt là đối với những nước đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam.

Việc tìm kiếm các công nghệ nổi bật trong nước, cũng như tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ các nước trên thế giới chính là biện pháp hữu hiệu để đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững của nước ta. Vậy để thực hiện chuyển giao công nghệ, các chủ thể cần thực hiện thủ tục đăng ký như thế nào? Luật Thành Đô xin tư vấn cụ thể như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14

– Nghị định số 76/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chuyển giao công nghệ.

Thủ tục đăng ký chuyển giao công nghệ
Thủ tục đăng ký chuyển giao công nghệ

II. CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ LÀ GÌ?

Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ (Căn cứ khoản 7 điều 2 Luật chuyển giao công nghệ)

Trong đó:

– Chuyển giao công nghệ trong nước là việc chuyển giao công nghệ được thực hiện trong lãnh thổ Việt Nam.

– Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam là việc chuyển giao công nghệ qua biên giới vào lãnh thổ Việt Nam.

– Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài là việc chuyển giao công nghệ từ lãnh thổ Việt Nam qua biên giới ra nước ngoài.

III. TRƯỜNG HỢP ĐĂNG KÝ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Hợp đồng chuyển giao công nghệ và phần chuyển giao công nghệ (trong trường hợp dự án đầu tư; góp vốn bằng công nghệ; nhượng quyền thương mại; chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ; mua, bán máy móc, thiết bị ) thuộc một trong những trường hợp sau đây phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ:

– Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;

– Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;

– Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, nhà nước cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ không thuộc trường hợp phải đăng ký nêu trên.

IV. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Điều 31 Luật chuyển giao công nghệ quy định về thủ tục đăng ký chuyển giao công nghệ như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ đăng ký chuyển giao công nghệ bao gồm:

– Văn bản đề nghị đăng ký chuyển giao công nghệ, trong đó ghi rõ cam kết trách nhiệm của các bên bảo đảm nội dung hợp đồng tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan;

– Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực văn bản giao kết chuyển giao công nghệ thể hiện nội dung sau:

+ Tên công nghệ được chuyển giao.

+ Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.

+ Chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.

+ Phương thức chuyển giao công nghệ.

+ Quyền và nghĩa vụ của các bên.

+ Giá, phương thức thanh toán.

+ Thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

+ Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có).

+ Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ.

+ Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao.

+ Phạt vi phạm hợp đồng.

+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

+ Cơ quan giải quyết tranh chấp.

+ Nội dung khác do các bên thỏa thuận.

Lưu ý: Trường hợp không có văn bản giao kết bằng tiếng Việt thì phải có bản dịch sang tiếng Việt và được công chứng hoặc chứng thực.

Bước 2: Nộp và tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ

Về thời hạn nộp: trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ký văn bản giao kết chuyển giao công nghệ, bên có nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký chuyển giao công nghệ gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.

Về thẩm quyền cấp: thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ theo điều 6 Nghị định 76/2018/NĐ-CP bao gồm:

– Đối với chuyển giao công nghệ thông qua thực hiện dự án đầu tư:

+ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đối với chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư tại Việt Nam thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công và dự án đầu tư ra nước ngoài;

+ Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đối với chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư trên địa bàn quản lý thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp, Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công; dự án thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không thuộc trường hợp phải có quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; trường hợp tự nguyện đăng ký.

– Đối với chuyển giao công nghệ độc lập và hình thức khác :

+ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đối với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;

+ Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đối với chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước và trường hợp tự nguyện đăng ký đối với chuyển giao công nghệ trong nước.

– Đối với chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng hoặc chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách đặc biệt cho quốc phòng, Bộ Quốc phòng cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.

Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây:

+ Hợp đồng chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao;

+ Hợp đồng không có đối tượng công nghệ, nội dung chuyển giao công nghệ;

+ Nội dung hợp đồng trái với quy định của Luật.

Bài viết cùng chủ đề:

Hồ sơ và thủ tục thực hiện đăng ký dán nhãn năng lượng

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về thủ tục đăng ký chuyển giao công nghệ. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19001958 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

5/5 - (1 bình chọn)