- Chuyên mục: Tư vấn luật dân sự
- Ngày đăng: 26/11/2020
- Tác giả: Ban biên tập
Lập di chúc là hành vi pháp lý đơn phương và là quyền của chủ sở hữu tài sản thể hiện ý chí của người để lại di sản lúc còn sống về việc định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Pháp luật quy định di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế, tức thời điểm sau khi người lập di chúc chết. Vậy khi di chúc chưa phát sinh hiệu lực pháp luật thì người lập di chúc có thể thay đổi, bổ sung, sửa chữa di chúc hay không? Luật Thành Đô xin tư vấn về vấn đề này như sau:
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ VỀ THAY ĐỔI BỔ SUNG DI CHÚC
– Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13
– Luật công chứng số 53/2014/QH13
II. THAY ĐỔI BỔ SUNG DI CHÚC CHƯA ĐƯỢC CÔNG CHỨNG
Điều 640 BLDS năm 2015 quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc như sau:
Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
Theo đó, người lập di chúc khi nhận thấy di chúc không phù hợp một phần hoặc toàn bộ có quyền tự mình sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ di chúc theo ý chí cá nhân của mình bất cứ lúc nào. Trong đó:
– Sửa đổi di chúc là người để lại di sản bằng ý chí của mình phủ nhận một phần của di chúc và thay thế những nội dung mới, theo đó phần mới sửa đổi sẽ là phần có hiệu lực thay thế phần bị sửa đổi.
– Bổ sung di chúc là việc mà người để lại di sản bổ sung những điều chưa có của di chúc hoặc làm rõ hơn, chi tiết hơn những điều đã được quy định trong di chúc. Theo đó, cả phần nội dung trước đó và phần nội dung mới được bổ sung cùng có hiệu lực. Nếu phần di chúc đã lập trước đó và phần di chúc bổ sung mâu thuẫn thì chỉ phần di chúc bổ sung có hiệu lực pháp lí.
– Thay thế di chúc là việc người để lại di sản thừa kế hủy bỏ toàn bộ bản di chúc cũ và thay thế bằng một di chúc mới.
– Hủy bỏ di chúc là việc người để lại di sản thừa kế hủy bỏ toàn bộ bản di chúc cũ nhưng không lập ra bản di chúc mới thay thế.
Lưu ý: Khi lập di chúc người để lại di sản phải ghi rõ thời gian (ngày tháng năm, giờ phút…) lập di chúc để làm cơ sở xác định phần di chúc nào lập sau sẽ là phần di chúc sửa đổi bổ sung hoặc thay thế. Nội dung phần di chúc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế phải phù hợp với quy định của BLDS về di chúc hợp pháp.
Đối với trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
III. THAY ĐỔI BỔ SUNG DI CHÚC ĐÃ ĐƯỢC CÔNG CHỨNG
Để đảm bảo việc phân chia di sản được diễn ra thuận lợi không có tranh chấp giữa những người thừa kế về hiệu lực di chúc, người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc của mình. Trong trường hợp di chúc đã được công chứng chứng thực thì việc sửa đổi bổ sung di chúc phải thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 56 Luật công chứng năm 2014 như sau:
Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.
Như vậy, đối với di chúc đã được công chứng, chứng thực nhưng người lập di chúc muốn thay đổi di chúc vì một lý do nào đó thì vẫn có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Tuy nhiên người thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế nội dung di chúc này là công chứng viên tại văn phòng công chứng lưu giữ di chúc hoặc bất kỳ công chứng viên nào được yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung di chúc.
Nếu di chúc đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết đến việc sửa đổi, bổ sung, thay thế di chúc đó.
Tuy nhiên cũng vì pháp luật cho phép người lập di chúc có quyền thay đổi sửa chữa di chúc nên thực tế xảy ra nhiều trường hợp có nhiều người để lại nhiều bản di chúc, gây khó khăn trong việc xác định đâu là bản di chúc có giá trị. Trong trường hợp này không phải bản di chúc được công chứng chứng thực mới là bản có hiệu lực, mà pháp luật quy định tại khoản 5 điều 643 rằng:
Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực nếu bản di chúc đó đảm bảo các điều kiện theo quy định. Do đó đối với những bản di chúc được công chứng nhưng đã được thay thế thì cần yêu cầu công chứng viên hủy bỏ bản di chúc trước đó để tránh những nhầm lẫn, chồng chéo về hiệu lực bản di chúc.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về thắc mắc: Có được sửa đổi bổ sung di chúc hay không? Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919.089.888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn