- Chuyên mục: Tư vấn luật dân sự
- Ngày đăng: 18/03/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Giám hộ là một trong những sự kiện hộ tịch cần xác nhận vào Sổ hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014. Vậy trình tự, thủ tục đăng ký giám hộ như thế nào? Ai là người được giám hộ? Điều kiện làm người giám hộ? Quyền của người giám hộ là gì? Những thắc mắc pháp lý liên quan sẽ được Luật Thành Đô giải đáp trong bài viết Thủ tục đăng ký giám hộ.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015;
– Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2014;
– Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch do Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2015.

II. GIÁM HỘ LÀ GÌ?
Theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015, giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).
Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.
Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015, người được giám hộ bao gồm:
– Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
– Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
– Người mất năng lực hành vi dân sự;
– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.
Điều 49 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015 quy định điều kiện để cá nhân trở thành người giám hộ như sau:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
– Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
– Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
– Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Điều 50 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015 quy định điều kiện để pháp nhân trở thành người giám hộ như sau:
– Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ.
– Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015, người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có các quyền sau đây:
– Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;
– Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;
– Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có quyền theo quyết định của Tòa án trong số các quyền trên.

III. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ GIÁM HỘ TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ
3.1. Thẩm quyền đăng ký giám hộ
Điều 19 Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 11 năm 201 quy định Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ.
3.2. Thủ tục đăng ký giám hộ
Theo quy định tại Điều 20 Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2014, trình tự, thủ tục đăng ký giám hộ tại Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:
Bước 1: Người yêu cầu đăng ký giám hộ nộp tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu quy định và văn bản cử người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ hộ tịch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
3.3. Đăng ký giám hộ đương nhiên
Theo quy định tại Điều 21 Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2014, Người yêu cầu đăng ký giám hộ nộp tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu quy định và giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên theo quy định của Bộ luật dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì nộp thêm văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên.
Trình tự đăng ký giám hộ đương nhiên được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2014.
IV. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ GIÁM HỘ TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN
4.1. Thẩm quyền đăng ký giám hộ
Theo quy định tại Điều 39 Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2014, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài cùng cư trú tại Việt Nam.
4.2. Thủ tục đăng ký giám hộ
Theo quy định tại Điều 40 và Điều 41 Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2014, trình tự, thủ tục đăng ký giám hộ tại Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
Bước 1: Người yêu cầu đăng ký giám hộ nộp tờ khai theo mẫu quy định và văn bản cử người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định trên, công chức làm công tác hộ tịch xác minh, nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho người yêu cầu.
Thủ tục đăng ký giám hộ đương nhiên giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài cùng cư trú ở Việt Nam được áp dụng theo quy định tại Điều 21 của Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2014.

Bài viết cùng chủ đề:
Thủ tục đăng ký khai tử (quy định năm 2021)
Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề Thủ tục đăng ký giám hộ. Mọi vướng mắc bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 19001958 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ Luật Thành Đô.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn