- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 27/07/2022
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Hiện nay Các Hộ kinh doanh tại Việt Nam hàng năm góp phần lớn vào GDP của cả nước, loại hình hộ kinh doanh cũng được nhiều người lựa chọn do những ưu điểm của nó. Trong bài viết này, công ty Luật Thành Đô sẽ phân tích các đặc điểm của Hộ kinh doanh để giải đáp thắc mắc cho khách hàng đang quan tâm đến chủ đề này.
1. Hộ kinh doanh là gì?
Hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp cũng không có định nghĩa cụ thể về hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh được quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Theo Khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP:
“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh. ”

2. Đặc trưng của hộ kinh doanh
Đối tượng thành lập hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam, hoặc do một nhóm người, hoặc một hộ gia đình làm chủ.
Đối với hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ, cá nhân đó có toàn quyền quyết định về mọi hoạt động kinh doanh của hộ. Đối với hộ kinh doanh do một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, mọi hoạt động kinh doanh của hộ do các thành viên trong nhóm hoặc trong hộ quyết định. Nhóm người hoặc hộ gia đình cử một người có đủ điều kiện là đại diện cho nhóm hoặc hộ để tham gia giao dịch với bên ngoài. Khi kinh doanh dưới mô hình HKD, pháp luật chỉ thừa nhận tư cách của chủ sở hữu mà không thừa nhận tư cách của HKD trước pháp luật.
Hộ kinh doanh là mô hình kinh doanh với quy mô nhỏ
Quy mô kinh doanh theo quy định của pháp luật được đánh giá bởi 2 tiêu chí là địa điểm kinh doanh và số lượng lao động sử dụng. Theo Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, hộ kinh doanh chỉ có tối đa 10 lao động. Nếu trên mức này, hộ kinh doanh bắt buộc phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi Nghị định 01/2021 được ban hành đã không hề nhắc gì đến quy định giới hạn này như vậy từ 04/01/2021, hộ kinh doanh không bị giới hạn số lượng lao động như trước đây. Và HKD được hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng hộ kinh doanh phải lựa chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở chính.
Hoạt động sản xuất của hộ kinh doanh mang tính nghề nghiệp thường xuyên
Hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh một cách thường xuyên, có quy mô nghề nghiệp ổn định thì mới cần phải đăng ký. Những hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện.
Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp
Theo quy định tại Khoản 10 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.”
Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, không có con dấu, không được thực hiện các quyền mà doanh nghiệp đang có như hoạt động xuất nhập khẩu hay áp dụng Luật phá sản khi kinh doanh thua lỗ.
Cá nhân, nhóm người hoặc các thành viên trong hộ chịu trách nhiệm vô hạn
Khi phát sinh các khoản nợ, cá nhân hoặc các thành viên phải chịu trách nhiệm trả hết nợ, không phụ thuộc vào số tài sản kinh doanh hay dân sự mà họ đang có; không phụ thuộc vào việc họ đang thực hiện hay đã chấm dứt thực hiện hoạt động kinh doanh.
Tính chịu trách nhiệm vô hạn này cũng dẫn tới quy định về việc Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại tại khoản 3 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Bởi vốn dĩ các chủ thể như chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp doanh đều phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, đây là là cách để đảm bảo trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ tài chính trong hoạt động kinh doanh của mình.
Với đặc trưng như vậy của mô hình HKD có thể nói rất an toàn với công chúng và không cần nhiều các quy định của pháp luật để điều chỉnh, bởi tính chịu trách nhiệm vô hạn đã là một biện pháp đảm bảo cho khách hàng, chủ nợ của HKD. Chính trách nhiệm vô hạn, buộc các thành viên làm chủ phải cẩn trọng trong quá trình kinh doanh. Đây chính là hạn chế của mô hình kinh doanh này, khi nó không khuyến khích được người kinh doanh mạnh dạn cho việc đầu tư. Hơn nữa, với quy mô nhỏ, HKD có nhiều hạn chế trong việc mở rộng phạm vi kinh doanh cũng như ứng dụng kỹ thuật – công nghệ.
Để tạo động lực để phát triển kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu là có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Trong các giải pháp được đưa ra để đạt được con số 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 phấn đấu tới con số 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong Dự thảo kế hoạch phát triển biền vững doanh nghiệp tư nhân vào năm 2030, một giải pháp được đưa ra đó chính là chuyển đổi HKD lên mô hình doanh nghiệp.
Sự phát triển của nền kinh tế số, cạnh tranh trong kinh doanh, phát triển của HKD lên doanh nghiệp là cần thiết tạo ra một bước nhảy vọt trong kinh doanh và trong sự phát triển của nền kinh tế tư nhân. Biện pháp chuyển đổi HKD lên DN đã được nhiều địa phương lựa chọn thực hiện vì thúc đẩy sự phát triển của HKD là cần thiết nhằm phát triển nhanh số lượng doanh nghiệp trên cơ sở những tiền đề kinh doanh đã có và thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Bài viết cùng chủ đề:
Hộ kinh doanh có được đăng ký nhiều ngành nghề không?
Điều kiện và thủ tục thành lập hộ kinh doanh
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn