Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, do đó Quốc hội có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư lớn liên quan đến môi trường, đất đai, rừng, dân cư…Chính vì vậy việc điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội cũng phải tuân theo thủ tục nhất định theo quy định của pháp luật. Để rõ hơn về thủ tục điều chỉnh chấp thuận chủ trương của Quốc hội, Luật Thành Đô mời quý khách hàng tham khảo bài viết “Thủ tục điều chỉnh chấp thuận chủ trương của Quốc hội”

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật đầu tư số 61/2020/QH14;

– Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

– Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư

– Văn bản pháp lý khác có liên quan.

Thủ tục điều chỉnh chấp thuận chủ trương của Quốc hội
Thủ tục điều chỉnh chấp thuận chủ trương của Quốc hội

II. NỘI DUNG THẨM ĐỊNH ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN CỦA QUỐC HỘI

Các nội dung điều chỉnh phải được thẩm định; nội dung thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư tương ứng với các nội dung thẩm định quyết định chủ trương đầu tư dự án, cụ thể bao gồm:

(1) Đánh giá về hồ sơ dự án: căn cứ pháp lý, thành phần, nội dung hồ sơ theo quy định.

(2) Việc đáp ứng các tiêu chí xác định dự án là dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.

(3) Sự phù hợp với điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức PPP theo phương thức đối tác công tư.

(4) Sự phù hợp với căn cứ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức đối tác công tư.

(5) Sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

(6) Đánh giá về mục tiêu; dự kiến quy mô, địa điểm, thời gian thực hiện dự án, nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên khác.

(7) Đánh giá về việc phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật chính và các điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng.

(8) Đánh giá về việc phân tích, lựa chọn sơ bộ các phương án đầu tư và quy mô các hạng mục đầu tư.

(9) Đánh giá về phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

(10) Đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

(11) Đánh giá về việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư.

(12) Đánh giá về việc xác định sơ bộ chi phí vận hành, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa lớn trong giai đoạn khai thác vận hành dự án.

(13) Đánh giá về phân chia giai đoạn đầu tư hoặc phân chia các dự án thành phần hoặc tiểu dự án (nếu có).

(14) Đánh giá sơ bộ hiệu quả đầu tư: hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế – xã hội; tác động của việc thực hiện dự án theo phương thức PPP đối với cộng đồng, dân cư trong phạm vi dự án; tác động của dự án đối với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững; khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư.

(15) Sự phù hợp của loại hợp đồng dự án PPP.

(16) Cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu.

(17) Nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với dự án PPP có sử dụng vốn nhà nước.

(18) Đánh giá về hình thức quản lý dự án.

(19) Đánh giá về cơ chế, chính sách đặc thù; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có).

5 ly do nen su dung dich vu phap ly 1
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

III. THỦ TỤC ĐIỀU CHỈNH CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG CỦA QUỐC HỘI

Thủ tục điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội bao gồm những bước sau:

Bước 1: Thẩm định nội bộ của chủ đầu tư hoặc đơn vị trực thuộc cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư

Chuẩn bị hồ sơ:

(1) Tờ trình thẩm định nội bộ của chủ đầu tư hoặc đơn vị trực thuộc cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư;

(2) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;

(3) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Chủ đầu tư hoặc đơn vị trực thuộc cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư gửi 15 bộ hồ sơ dự án theo mục trên đến cơ quan chủ quản của mình hoặc cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư để tổ chức thẩm định nội bộ theo quy định. Thời gian thẩm định nội bộ không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Bước 2: Thẩm định của cơ quan chủ quản chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư

Hồ sơ trình thẩm định gồm:

(1) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của cơ quan chủ quản hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư;

(2) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được hoàn thiện theo ý kiến thẩm định nội bộ;

(3) Báo cáo thẩm định nội bộ;

(4) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Cơ quan có thẩm quyền gửi 01 bộ hồ sơ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi 20 bộ hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước. Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập. Trường hợp thuê tư vấn thẩm tra thì thời gian thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước tính từ ngày ký hợp đồng tư vấn thẩm tra.

Bước 3: Hội đồng thẩm định trình hồ sơ lên Chính phủ, hồ sơ bao gồm:

(1) Tờ trình đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư;

(2) Nội dung điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;

(3) Báo cáo thẩm định, báo cáo thẩm tra nội dung điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;

(4) Tài liệu pháp lý khác có liên quan của dự án.

(5) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước

Bước 4: Chính phủ xem xét, cho ý kiến về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia theo quy chế làm việc của Chính phủ.

Bước 5: Chính phủ trình hồ sơ lên Quốc hội

Hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội gồm:

– Tờ trình của Chính phủ;

– Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án quan trọng quốc gia.

– Tờ trình đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư;

– Nội dung điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;

– Báo cáo thẩm định, báo cáo thẩm tra nội dung điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;

– Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được hoàn thiện theo ý kiến thẩm định nội bộ;

– Báo cáo thẩm định nội bộ;

– Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước

– Tài liệu pháp lý khác có liên quan của dự án.

– Tài liệu khác có liên quan (nếu có).

IV. CÁC TRƯỜNG HỢP ĐIỀU CHỈNH CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CỦA QUỐC HỘI

4.1. Các trường hợp dự án đầu tư phải thực hiện điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư

Theo quy định tại khoản 3, điều 41 Luật đầu tư năm 2020, dự án đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư trong các trường hợp sau:

– Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;

– Thay đổi quy mô diện tích đất sử dụng trên 10% hoặc trên 30 ha, thay đổi địa điểm đầu tư;

– Thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư;

– Kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu;

– Điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;

– Thay đổi công nghệ đã được thẩm định, lấy ý kiến trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư;

– Thay đổi nhà đầu tư của dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trước khi dự án khai thác, vận hành hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có).

Như vậy, nếu dự án đầu tư thuộc vào một trong các trường hợp quy định ở trên thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

4.2. Các dự án thuộc thẩm quyền điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc Hội

Theo quy định của Luật đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư nào có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan đó có quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Do đó, Quốc Hội có quyền xem xét để điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc Hội, được quy định tại Điều 30 Luật đầu tư.

Theo đó, các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền xem xét chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của Quốc Hội là các dự án dưới đây thuộc trường hợp đã phân tích tại mục 2.1 nêu trên, bao gồm các dự án sau đây:

– Dự án đầu tư ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:

+ Nhà máy điện hạt nhân;

+ Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;

– Dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên;

– Dự án đầu tư có yêu cầu di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở vùng khác;

– Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc Hội quyết định.

lien he luat su cong ty luat thanh do
Liên hệ luật sư tư vấn pháp luật công ty Luật Thành Đô

Bài viết cùng chủ đề:

Điều chỉnh dự án dẫn đến điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư

chấp thuận chủ trương đầu tư của thủ tướng

Trên đây là tư vấn của Luật Thành Đô liên quan đến Thủ tục điều chỉnh chấp thuận chủ trương của Quốc hội. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc điều chỉnh chấp thuận chủ trương của Quốc hội, vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được hỗ trợ tư vấn, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết này