Trong quá trình hoạt động, vì nhiều lý do dẫn đến thương nhân nước ngoài sẽ có nhu cầu thay đổi văn phòng đại diện của mình. Trong trường hợp này, thương nhân phải chuẩn bị và tiến hành thủ tục thay đổi văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài. Vậy việc thay đổi văn phòng đại diện, thương nhân nước ngoài cần chuẩn bị những giấy tờ gì?

Thủ tục tiến hành ra sao? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết? Mời quý khách hàng tham khảo bài viết “Thủ tục thay đổi văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài” dưới đây của Luật Thành Đô.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật Thương mại 2005;

– Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại điện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam;

– Thông tư 11/2016/TT-BCT quy định biểu mẫu thực hiện Nghị định số 07/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại điện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam;

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Thủ tục thay đổi văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài
Thủ tục thay đổi văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài

II. THỦ TỤC THAY ĐỔI VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI

2.1. Các trường hợp thay đổi văn phòng đại diện

Trong trường hợp thay đổi văn phòng đại diện, thương nhân nước ngoài phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tại Điều 15 Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định thương nhân nước ngoài phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện trong những trường hợp sau:

– Thay đổi tên gọi hoặc địa chỉ đặt trụ sở của thương nhân nước ngoài;

– Thay đổi người đứng đầu của Văn phòng đại diện;

– Thay đổi tên gọi của Văn phòng đại diện;

– Thay đổi nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện;

– Thay đổi địa chỉ đặt trụ sở của Văn phòng đại diện trong một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc trong khu vực địa lý thuộc phạm vi quản lý của một Ban quản lý.

2.2. Thủ tục điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diệncủa thương nhân nước ngoài

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Thương nhân nước ngoài cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ điều chỉnh giấy phép thành lập văn phòng đại diện theo quy định tại Điều 16 Nghị định 07/2016/NĐ-CP.

Bước 2. Nộp hồ sơ điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài

– Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày có sự thay đổi, thương nhân nước ngoài phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện;

– Thương nhân nước ngoài nộp 01 bộ hồ sơ đến Cơ quan cấp giấy phép;

– Cách thức nộp hồ sơ:

+ Nộp hồ sơ trực tiếp;

+ Nộp hồ sơ qua đường bưu điện;

+ Nộp hồ sơ trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng);

Bước 3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận, thẩm định và xử lý hồ sơ

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ thực hiện tối đa một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ;

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện điều chỉnh hoặc không điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện. Trường hợp không điều chỉnh phải có văn bản nêu rõ lý do.

– Trường hợp việc điều chỉnh nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện thuộc trường hợp nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Văn phòng đại diện phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành (sau đây gọi chung là Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành).

Và trường hợp việc điều chỉnh nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, Cơ quan cấp Giấy phép gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan cấp Giấy phép, Bộ quản lý chuyên ngành có văn bản nêu rõ ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành, Cơ quan cấp Giấy phép điều chỉnh hoặc không điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài. Trường hợp không điều chỉnh phải có văn bản nêu rõ lý do.

III. HỒ SƠ THAY ĐỔI VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI

Hồ sơ điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài gồm các giấy tờ sau:

(1) Đơn đề nghị điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo Mẫu MĐ-7 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 11/2016/TT-BCT quy định biểu mẫu thực hiện Nghị định số 07/2016/NĐ-CP của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;

(2) Các tài liệu chứng minh về nội dung thay đổi, gồm:

– Trường hợp thay đổi tên gọi hoặc địa chỉ đặt trụ sở của thương nhân nước ngoài: Bản sao tài liệu pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng minh sự thay đổi tên gọi hoặc địa chỉ đặt trụ sở của thương nhân nước ngoài;

– Trường hợp thay đổi người đứng đầu của Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài: Văn bản của thương nhân nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu mới của Văn phòng đại diện; bản sao hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (nếu là người Việt Nam) hoặc bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu mới của Văn phòng đại diện; giấy tờ chứng minh người đứng đầu cũ của Văn phòng đại diện đã thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân đến thời điểm thay đổi;

– Trường hợp thay đổi địa chỉ đặt trụ sở của Văn phòng đại diện trong một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc trong khu vực địa lý thuộc phạm vi quản lý của một Ban quản lý:

Bản sao biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận thuê địa điểm hoặc bản sao tài liệu chứng minh thương nhân có quyền khai thác, sử dụng địa điểm để đặt trụ sở Văn phòng đại diện; Bản sao tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện đảm bảo địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh lao động và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan

(3) Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện (Bản chính).

Lưu ý: Các tài liệu chứng minh nội dung thay đổi nếu trên (đối với trường hợp văn bản của thương nhân nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu mới của Văn phòng đại diện bằng tiếng nước ngoài và bản sao hộ chiếu của người đứng đầu mới của Văn phòng đại diện là người nước ngoài) phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Bài viết cùng chủ đề:

Thủ tục thay đổi chi nhánh của thương nhân nước ngoài

Thủ tục cấp thẻ thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam

Với các thông tin về việc “Thủ tục thay đổi văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài” mà Luật Thành Đô trình bày trên, hy vọng sẽ giúp ích cho Quý khách hàng. Trân trọng cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm và tin dùng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô.

5/5 - (1 bình chọn)