- Chuyên mục: Tư vấn luật dân sự
- Ngày đăng: 29/11/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ đã qua sử dụng có thể xem là phương án đầu tư tối ưu vừa tiết kiệm chi phí, vừa đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên máy móc thiết bị đã qua sử dụng thường có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và tác động xấu đến hệ thống dây chuyền sản xuất, bởi vậy pháp luật cũng quy định nghiêm ngặt hơn về điều kiện cũng như thủ tục hải quan nhập khẩu. Sau đây, Luật Thành Đô xin phân tích chi tiết những quy định hiện hành về nhập khẩu mặt hàng này.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Quyết định 18/2019/QĐ-TTg quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
II. QUY ĐỊNH VỀ NHẬP KHẨU MÁY MÓC, THIẾT BỊ, DÂY CHUYỀN CÔNG NGHỆ ĐÃ QUA SỬ DỤNG
2.1. Thế nào là máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng
Theo khoản 3 Điều 3 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng là máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sau khi xuất xưởng đã được lắp ráp và vận hành hoạt động.
2.2. Tiêu chí nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng
2.2.1. Đối với dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng
Dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được phép nhập khẩu khi đáp ứng các tiêu chí sau:
– Được sản xuất theo tiêu chuẩn:
+ Phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường;
+ Trường hợp không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) liên quan đến dây chuyền công nghệ nhập khẩu, thì dây chuyền công nghệ phải được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
– Công suất (tính theo số lượng sản phẩm được tạo ra bởi dây chuyền công nghệ trong một đơn vị thời gian) hoặc hiệu suất còn lại phải đạt từ 85% trở lên so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế.
– Mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng không vượt quá 15% so với thiết kế.
– Công nghệ của dây chuyền công nghệ không thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao quy định tại Nghị định số 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.
– Công nghệ của dây chuyền công nghệ phải đang được sử dụng tại ít nhất 03 cơ sở sản xuất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
2.2.2. Đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng
Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu khi đáp ứng các tiêu chí sau:
– Tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm. Đối với máy móc, thiết bị thuộc một số lĩnh vực cụ thể, tuổi thiết bị được quy định chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định 18/2019/QĐ-TTg.
– Được sản xuất theo tiêu chuẩn:
+ Phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường;
+ Trường hợp không có QCVN liên quan đến máy móc, thiết bị nhập khẩu, thì máy móc, thiết bị nhập khẩu phải được sản xuất phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
2.3. Thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng
2.3.1. Đối với dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng
* Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ bao gồm:
– Hồ sơ nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của doanh nghiệp. Trường hợp nhập khẩu theo ủy thác thì phải có văn bản ủy thác nhập khẩu
– Chứng thư giám định được cấp bởi một tổ chức giám định được chỉ định đáp ứng các điều kiện theo quy định
* Nộp và xử lý hồ sơ
– Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Cơ quan hải quan, nơi đăng ký tờ khai hải quan
– Cơ quan hải quan chỉ làm thủ tục thông quan theo quy định khi hồ sơ nhập khẩu và tài liệu đầy đủ, hợp lệ và chứng thư giám định ghi kết luận dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đáp ứng yêu cầu.
2.3.2. Đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng
* Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ bao gồm:
– Hồ sơ nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của doanh nghiệp. Trường hợp nhập khẩu theo ủy thác thì phải có văn bản ủy thác nhập khẩu
– Bản chính giấy xác nhận của nhà sản xuất máy móc, thiết bị về năm sản xuất và tiêu chuẩn của máy móc, thiết bị đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 6 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg trong trường hợp máy móc, thiết bị được sản xuất tại quốc gia thuộc các nước G7, Hàn Quốc. Giấy xác nhận phải được hợp pháp hóa lãnh sự và kèm bản dịch sang tiếng Việt
– Chứng thư giám định được cấp bởi một tổ chức giám định được chỉ định đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 11 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg trong trường hợp máy móc, thiết bị được sản xuất tại quốc gia thuộc các nước G7, Hàn Quốc nhưng không có Giấy xác nhận của nhà sản xuất hoặc máy móc, thiết bị được sản xuất tại quốc gia không thuộc các nước G7, Hàn Quốc
* Nộp và xử lý hồ sơ
– Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Cơ quan hải quan, nơi đăng ký tờ khai hải quan
– Cơ quan hải quan chỉ làm thủ tục thông quan theo quy định khi hồ sơ nhập khẩu và tài liệu đầy đủ, hợp lệ. Trường hợp phải có chứng thư giám định thì trong chứng thư giám định phải có kết luận máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đáp ứng các yêu cầu quy định.
* Đưa hàng về bảo quản
– Trường hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng mà tại thời điểm nộp hồ sơ nhập khẩu doanh nghiệp không có giấy xác nhận của nhà sản xuất và chưa cung cấp được chứng thư giám định, doanh nghiệp được đưa hàng hóa về bảo quản sau khi nộp Cơ quan hải quan văn bản đăng ký dịch vụ giám định máy móc, thiết bị có xác nhận của một tổ chức giám định được chỉ định;
– Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày đưa máy móc, thiết bị về bảo quản, doanh nghiệp phải nộp Cơ quan hải quan chứng thư giám định. Cơ quan hải quan chỉ làm thủ tục thông quan theo quy định khi hồ sơ nhập khẩu và tài liệu đầy đủ, hợp lệ và chứng thư giám định ghi kết luận máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đáp ứng yêu cầu theo quy định.
* Trường hợp nhập khẩu máy móc thiết bị có tuổi thiết bị vượt quá quy định
– Trường hợp doanh nghiệp tiến hành sản xuất tại Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng có tuổi thiết bị vượt quá quy định nhưng công suất hoặc hiệu suất còn lại của máy móc, thiết bị vẫn đạt từ 85% trở lên so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế và mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng của máy móc, thiết bị không vượt quá 15% so với thiết kế, doanh nghiệp cần nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cho phép nhập khẩu, trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến về Bộ Khoa học và Công nghệ để được xem xét, giải quyết.
Theo đó, hồ sơ gồm:
+ Văn bản đề nghị cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, giải trình về sự cần thiết phải nhập khẩu máy móc, thiết bị để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phương án sử dụng và sự cần thiết của máy móc, thiết bị dự kiến nhập khẩu trong dây chuyền công nghệ;
+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của doanh nghiệp;
+ Chứng thư giám định được cấp bởi tổ chức giám định được chỉ định.
– Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Bộ Khoa học và Công nghệ gửi văn bản kèm theo bản chụp hồ sơ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan có ý kiến hoặc lấy ý kiến chuyên gia trong trường hợp cần thiết;
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, cơ quan ngang bộ, chuyên gia có ý kiến về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành và cho ý kiến về đề xuất được nhập khẩu máy móc, thiết bị của doanh nghiệp;
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, chuyên gia, Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản trả lời doanh nghiệp, nêu rõ lý do nếu không chấp thuận đề nghị nhập khẩu.
Bài viết cùng chủ đề:
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919 089 888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn