- Chuyên mục: Tư vấn luật dân sự
- Ngày đăng: 14/01/2021
- Tác giả: Ban biên tập
Theo Điều 624 BLDS 2015 thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc trên thực tế chủ yếu được sử dụng chủ yếu là di chúc bằng văn bản vì nó đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy cao. Nhưng liệu theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, di chúc bằng văn bản là hình thức di chúc duy nhất được ghi nhận? Luật Thành Đô sẽ giải đáp thắc mắc câu hỏi đó tại bài viết này:
Di chúc là một giao dịch đơn phương của cá nhân có những đặc điểm như sau: (i) Di chúc là ý chí đơn phương của cá nhân; (ii) Di chúc nhằm dịch chuyển di sản của người chết cho người khác đã được xác định trong di chúc; (iii) Di chúc có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ; (iv) Di chúc phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định; (v) Di chúc có hiệu lực kể từ ngày người lập di chúc chết. Hình thức của di chúc ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu lực của di chúc nếu như không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Theo quy định của PLDS hiện hành thì có hai loại di chúc là di chúc miệng và di chúc bằng văn bản.
I. Căn cứ pháp lý
Bộ Luật dân sự năm 2015.

II. Di chúc miệng
Di chúc miệng (chúc ngôn) là sự bày tỏ bằng lời nói ý chí của người để lại di sản thừa kế lúc còn sống trong việc định đoạt khối di sản của mình cho người khác sau khi chết.
Tuy nhiên, “lời nói gió bay” nên pháp luật dân sự hiện hành dù có cho phép một người được để lại di chúc bằng lời nói nhưng lại không hề khuyến khích việc cá nhân có di sản thừa kế để lại di chúc dưới hình thức này. Do đó, việc di chúc miệng chỉ được thừa nhận trong một số ít những trường hợp rất đặc biệt với thủ tục rất nghiêm ngặt. Theo khoản 1 Điều 629 BLDS 2015 thì chỉ khi tính mạng của một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Ví dụ như người đó bị tai nạn giao thông bất ngờ mà không thể lường trước được; hoặc bệnh nặng và rơi vào trường hợp nguy kịch sắp chết,…
Thêm đó, không phải cá nhân nào ở trong hoàn cảnh trên cũng được phép lập di chúc miệng mà phải đảm bảo yêu cầu về độ tuổi. Cụ thể người lập di chúc miệng phải là người thành niên, tại thời điểm lập di chúc hoàn toàn minh mẫn và sáng suốt. Do đó, người từ 15 đến 18 tuổi thì không có quyền lập di chúc.
Người để lại di chúc miệng phải thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng kí tên hoặc điểm chỉ. BLDS 2015 cũng quy định về điều kiện của người làm chứng, theo đó người được pháp luật cho phép làm chứng phải không thuộc vào phạm vi điều cấm của Điều 632:
“Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.”
III. Di chúc bằng văn bản
Theo quy định của BLDS 2015 thì di chúc bằng văn bản bao gồm những loại sau:
– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng
– Di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực
– Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực
2.1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng (Điều 633)
Đối với di chúc bằng văn bản thì người lập di chúc phải tự viết và kí vào bản di chúc. Để di chúc thực sự là phương tiện phản ánh ý chí đích thực cuối cùng của người chết, di chúc lập theo thể thức này phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về nội dung quy định tại Điều 631 BLDS. Nếu di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thể hiện dưới dạng đánh máy thì bản di chúc đó sẽ không hợp pháp mặc dù đã có chữ ký của người lập di chúc. Ngược lại, dù di chúc đó do chính tay họ viết nhưng bản di chúc đó không có chữ ký của người lập di chúc cũng sẽ không có giá trị pháp lý. Đương nhiên để tự tay viết được di chúc thì người lập di chúc phải biết chữ và bản di chúc sẽ được viết dưới dạng ngôn ngữ tiếng Việt hoặc của dân tộc thiểu số ít người khác.
2.2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng (Điều 634 BLDS 2015)
Di chúc bằng văn bản có người làm chứng được lập trong trường hợp người viết không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể lựa chọn các cách lập di chúc sau: (i) nhờ người khác viết; (ii) người lập di chúc có thể tự mình đánh máy di chúc hoặc nhờ người khác đánh máy di chúc. Việc pháp luật cho phép người lập di chúc có thể đánh máy di chúc phù hợp với thực tiễn cuộc sống công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, khi lập di chúc thì cần có ít nhất hai người làm chứng và người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng, đồng thời trong bản di chúc đó phải có chữ ký của người làm chứng và xác nhận của họ về chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc. Thiếu một trong các yếu tố này thì di chúc sẽ không có hiệu lực pháp luật.
2.3. Di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực
Chứng thực di chúc được coi là một trong những căn cứ pháp lý xác lập nội dung di chúc của người để lại di sản. Việc công chứng di chúc do các công chứng viên thuộc tổ chức hành nghề công chứng thực hiện; còn việc chứng thực di chúc do Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành. Nếu người lập di chúc tự tay viết bản di chúc và có yêu cầu công chứng, chứng thực thì người lập di chúc phải ký vào bản di chúc trước mặt người có thẩm quyền công chứng hoặc chứng thực. Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, thông qua các công chứng viên hành nghề tại các tổ chức hành nghề công chứng mà không được ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.
Tuy nhiên, không phải công chứng viên hay người có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã nào cũng được công chứng, chứng thực di chúc mà bị giới hạn theo quy định của pháp luật. Tại Điều 637 BLDS 2015 có quy định về những người không được công chứng, chứng thực di chúc như sau:
“Công chứng viên, người có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã không được công chứng, chứng thực đối với di chúc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
- Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
- Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc”.
2.4. Di chúc bẳng văn bản có giá trị như di chúc công chứng hoặc chứng thực
Trên thực tế, có những trường hợp người lập di chúc muốn công chứng, chứng thực di chúc nhưng lại không thể thực hiện công tác đó vì ở quá xa nơi công chứng hoặc UBND cấp xã. Do đó, để dự liệu cho những trường hợp như thế, BLDS 2015 đã có quy định về di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực. Đó là những trường hợp đặc biệt sau đây:
+ Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực.
+ Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó.
+ Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó.
+ Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị.
+ Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó.
+ Di chúc của người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó.
Việc quy định như vậy nhằm đảm bảo cho cá nhân quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của họ ngay cả khi họ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, chỉ trong hoàn cảnh đó thì mới được coi là có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực. Vì vậy, khi người lập di chúc đã trở lại điều kiện bình thường, có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận, chứng thực di chúc nhưng nếu họ không yêu cầu chứng thực, chứng nhận lại di chúc mà họ đã lập thì những bản di chúc đó thì sẽ không được thừa nhận có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực; đồng thời cũng không được coi là di chúc đó đã bị hủy bỏ.

Các bài viết liên quan:
Điều kiện thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất
Cách lấy lại tiền khi chuyển nhầm tài khoản
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về các hình thức của di chúc theo quy định của pháp luật. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919 089 888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn